Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống công trình và các trang thiết bị cho công tác phòng chống thiên tai trong những năm gần đây đã được chú trọng đầu tư và là cơ sở quan trọng góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai.
Cả nước có hơn 5.200 km đê sông, gần 3.000 km đê biển bảo đảm chống lũ theo thiết kế; gần 26.000 km đê và bờ bao chống lũ, ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương. Ngoài hệ thống đê, cả nước có gần 6.500 hồ chứa thủy lợi vận hành điều tiết nước an toàn giúp chúng ta chủ động ứng phó trước thiên tai. Với trên 100.000 tàu thuyền hằng ngày đang hoạt động trên biển, khu vực neo đậu tàu thuyền ven biển và trên các đảo đã được Chính phủ đầu tư củng cố, bảo đảm sức chứa hơn 48%, tạo điều kiện an toàn cho người dân. Hệ thống trường học, đường giao thông, hệ thống lưới điện các công trình cơ sở hạ tầng khác đã được nâng cấp, các khu vực dân cư đã từng bước tăng khả năng chống chịu và cơ bản đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.
Theo Tổng cục PCTT, việc thành lập và đưa vào sử dụng Quỹ PCTT đã đóng góp một phần ngân sách quan trọng cho đầu tư xây dựng công trình. Đến nay đã có 60/63 tỉnh thành lập quỹ với tổng kinh phí thu được trên 4.000 tỷ đồng, một nửa trong số đó đã được sử dụng hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai.
Ứng dụng khoa học công nghệ dự báo sớm thiên tai
Khoa học công nghệ đã được ứng dụng và triển khai hiệu quả với những bước tiến vượt bậc trong theo dõi, giám sát 24/24 hệ thống đê điều, hồ chứa, tàu thuyền, lũ trên các hệ thống sông, cảnh báo động đất, sóng thần,... với trên 30.000 điểm theo dõi tự động được hiển thị trên các thiết bị để phục vụ theo dõi giảm sát, điều hành phòng chống thiên tai một cách chủ động theo thời gian thực,...
Trong xây nhà chống bão, sản xuất đê di động, thiết bị chằng chống nhà cửa thông minh; thiết bị cảnh báo sớm lũ tại sông suối, ngầm tràn… đều được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Đặc biệt, khoa học công nghệ trong xây dựng công trình PCTT đã từng bước tiếp cận với thế giới.
Theo Tổng cục PCTT, nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ, công tác dự báo cảnh báo đã được dài hạn, nâng cao độ chính xác hơn như thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%.
Trong những năm gần đây đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn, hạn hán, dự báo được chính xác các cơn bão, các đợt mưa lớn, vùng ảnh hưởng. Bên cạnh đó hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã bước đầu được hình thành góp phần để Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thảm họa thiên tai.
Hoàn thiện thể chế và kiện toàn hệ thống
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế phù hợp tình hình phòng, chống thiên tai trong nước và quốc tế, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều đã được thông qua; hàng loạt văn bản dưới luật được sửa đổi, bổ sung. Lần đầu tiên Ban Bí thư đã có chỉ thị 42-CT/TW năm 2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai một cách đồng bộ.
Nhiều luật liên quan đến các lĩnh vực thủy lợi, đê điều, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn cùng các Chiến lược đi kèm được ban hành, quy định chi tiết để cả xã hội và lĩnh vực chuyên ngành cùng triển khai thực hiện. Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt.
Với mục tiêu nâng tầm nhiệm vụ chiến lược và hành động của cả hệ thống PCTT, Nghị định 160 của Chính phủ đã quy định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT từ năm 2019. Ban chỉ đạo do lãnh đạo Chính phủ làm trưởng ban, cùng sự tham gia của một số lãnh đạo các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ để tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực này. Tổng cục PCTT thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo.
Tại địa phương, Ban chỉ huy PCTT & TKCN được thành lập ở tất cả các cấp và do Chủ tịch UBND làm trưởng ban nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai trong điều kiện thiên tai đang diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường.
Nhằm tăng cường năng lực cho cơ quan PCTT quốc gia và các cấp, Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng Trung tâm điều hành quốc gia về PCTT ngang tầm với các nước trong khu vực để thực thi nhiệm vụ điều hàng cũng như nâng cao năng lực cộng đồng trong việc này.
Đặc biệt “Phương châm 4 tại chỗ” là 1 trong những tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, được luật hóa trở thành nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai với 95% số xã trên cả nước thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, triển khai ứng phó ngay từ giờ đầu đã thực sự phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, một trong những thành tựu lớn nhất trong những năm vừa qua là sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội về công tác PCTT, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được nâng cao với hàng loạt chương trình tập huấn, đào tạo, truyền thông...
Tổng cục PCTT cho biết, đến nay, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong PCTT hiệu quả, được nhiều tổ chức, các nước đến tham quan, học tập, góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là trách nhiệm lớn lao liên quan đến tính mạng con người, thành quả nhiều năm xây dựng và phát triển có thể bị xóa sổ chỉ sau một đợt thiên tai lớn nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.
Đỗ Hương - Báo Chính phủ (http://baochinhphu.vn)Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn