Sở Nông nghiệp và PTNT đã rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT và TKCN năm 2016 ở các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo như sau:
Tình hình thiên tai.Thời tiết năm 2016 có diễn biến khá phức tạp. Trên biển thường xuyên có gió mạnh gây thiệt hại cho tàu thuyền, ngư dân. Hạn hán gay gắt cuối vụ Đông Xuân và Hè Thu. Mưa dông, lốc xoáy và mưa đá xảy ra ở huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh trong tháng 4. Cuối tháng 08, khu vực tỉnh Bình Định có mưa lớn. Lượng mưa đến ngày 31/8 đạt 87% so với TBNN cùng kỳ (507/583mm); các hồ chứa còn 90/578 triệu m
3 nước đạt 16% dung tích thiết kế, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2015; đã có 135/165 hồ chứa cạn nước.
Vụ Hè Thu có 2.036 ha không sản xuất, 7.664 ha bị hạn, 108 ha mất trắng. Vụ Mùa có 2.112 ha thiếu nước tưới (đầu tháng 8). Khô hạn, nắng nóng làm 24,7 ha nuôi tôm bị bệnh, giảm sản lượng cá nuôi 200 tấn. Lúc cao điểm có 5.150 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, còn 3.352 hộ dân của huyện Vân Canh, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn thiếu nước sinh hoạt. Trên biển xảy ra 46 vụ sự cố tàu thuyền/307 người bị nạn, trong đó 8 tàu chìm/59 thuyền viên được cứu vớt, 5 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại do thiên tai 102 tỷ đồng.
Nhận định về mùa mưa lũ năm 2016.Bão và ATNĐ trên Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn TBNN; từ nay đến cuối năm còn khoảng 3 – 4 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bình Định sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp 1 – 2 cơn bão, ATNĐ.
Thời điểm bắt đầu mùa mưa của Bình Định có khả năng đến sớm hơn so với năm 2015. Tổng lượng mưa cả mùa mưa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn một ít so với TBNN. Mưa lớn diện rộng tập trung vào tháng 10 và 11.
Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông sẽ cao hơn đỉnh lũ năm 2015, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; ở mức báo động II – III, có nơi cao hơn báo động III.
Cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật; hoặc bão, ATNĐ ảnh hưởng dồn dập, mưa lớn trong thời đoạn ngắn gây lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất đặc biệt ở vùng núi, ven sông, ven biển.
Tình hình triển khai công tác phòng chống thiên tai:Các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 trong tháng 07/2016; kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong tháng 8/2016; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng kinh tế lập phương án PCTT và TKCN năm 2016 và trình UBND phê duyệt; chỉ đạo các xã, phường triển khai công tác PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đến nay 11 huyện, thị xã, thành phố đã gửi Báo cáo tổng kết, Phương án PCTT và TKCN năm 2016, Quyết định kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN. Các địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động PCTT, vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão trên địa bàn.
Tình hình bảo đảm an toàn hồ chứa, đê điều, cơ sở hạ tầng, thông thoáng dòng chảy:Bình Định có 165 hồ chứa nước thủy lợi. Công ty Khai thác CTTL quản lý 15 hồ chứa lớn, Trung tâm Giống Thủy sản quản lý 4 hồ chứa, các huyện quản lý 146 hồ vừa và nhỏ. Trong đó có 5 hồ trên 10 triệu m
3. Phần lớn các hồ chứa xây dựng từ trước năm 1990 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nhiều sự cố. Mái đập thượng lưu bị sạt lở, đá lát khan bị xô tụt; mái hạ lưu bị xói sạt, thấm ướt; cao độ và chiều rộng đỉnh đập không đảm bảo, đường quản lý bị hư hỏng. Có nơi vẫn còn dân cư trú ở hạ lưu đập như hồ Phú Khương (Hoài Ân), hồ Hóc Nhạn (Phù Mỹ); trồng rừng trong phạm vi đập như hồ Cự Lễ (Hoài Nhơn), hồ Hóc Sấu ( Hoài Ân), hồ Đèo Cạnh, Trong Thượng (An Lão).
Có 29 hồ hư hỏng xuống cấp cần đầu tư sửa chữa. Trong đó, 20 hồ đã thu xếp được vốn, dự án WB5 (hồ Núi Một), dự án Phát triển NTTH miền Trung (hồ Hội Khánh, Mỹ Thuận) và dự án WB8 (17 hồ).
Tình trạng an toàn đập đã dần được cải thiện, chưa xảy ra sự cố mất an toàn đập và hạ du. Sở Nông nghiệp và và PTNT đã tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm an toàn đập cho 138 cán bộ địa phương.
Công ty Khai thác CTTL đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, lập phương án phòng chống lụt bão cho các hồ chứa trong tháng 7/2016; trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các hồ lớn Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một, Hội Sơn, Vạn Hội và đập dâng Văn Phong. Với các hồ chứa do địa phương quản lý, phương án phòng chống lụt bão thường lập chung trong phương án PCTT và TKCN của huyện, xã. Hiện tại, 11 huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt xong phương án PCTT và TKCN của địa phương và triển khai thực hiện.
UBND các địa phương, Công ty Khai thác công trình thủy lợi đang kiểm tra, triển khai gia cố, sửa chữa các hư hỏng trụ cầu công tác, máy đóng mở cống lấy nước; phát dọn mái đập, tràn xả lũ, hành lang thoát lũ, đường cứu hộ đập; gia cố, sửa chữa các tràn bị hư hỏng; chuẩn bị một số vật tư, vật liệu PCLB tại các vị trí xung yếu của công trình; giải tỏa, tháo dỡ vật cản trên các tràn để thông thoáng dòng chảy.
Toàn tỉnh có 657 km đê kè, trong đó có 185 km đê kè trên dòng chính, 130 km đê biển và đê cửa sông. Đê, kè đã được nâng cấp, kiên cố hóa 220 km, chiếm 33,5%. Hiện nay, còn 61 km đê kè xung yếu, sạt lở nguy hiểm cần nâng cấp bảo đảm an toàn. Năm 2016, các chủ đầu tư đầu tư xây dựng, nâng cấp 5,1 km đê, kè bao gồm Tuy Phước 2,3 km, Phù Mỹ 2,5 km (đê La Tinh, Mỹ Tài), Quy Nhơn 0,3 km (Nhơn Lý). Các địa phương có đê đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”, củng cố các đội xung kích bảo vệ đê, kiểm tra các tuyến đê, kè, thực hiện gia cố tạm thời các vị trí xung yếu để bảo đảm an toàn khi có bão lũ.
Hệ thống Đê Đông, đê La Tinh đã xây dựng phương án PCLB và triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với UBND các xã, phường ven đê kiểm tra, rà soát những đoạn đê, kè, cống, cửa tràn xung yếu và thực hiện gia cố, sửa chữa các hư hỏng; chuẩn bị vật tư, vật liệu tại chỗ đề phòng sự cố khi mưa bão; đưa vào vận hành 45 trạm đo mưa nhân dân, mạng lưới cảnh báo sớm ngập lụt cộng đồng dân cư lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, các trạm đo mưa tự động; thực hiện trực ban vận hành liên hồ chứa sông Kôn – Hà Thanh từ ngày 01/09.
Việc thông thoáng, giải tỏa dòng chảy trên sông, suối chưa được UBND các địa phương quan tâm. Còn xảy ra việc trồng cây lấn hành lang thoát lũ trên sông Hà Thanh ở xã Canh Hiển, hạ lưu tràn Núi Một, tràn Hội Sơn. Các cống, tràn trên đường giao thông, đê điều còn ứ đọng rác thải, lục bình gây ách tắc dòng chảy. Việc xây nhà lấn chiếm dòng chảy sông Gò Chàm tại cầu Phú Đa từ năm 2004 chưa giải tỏa được. Đường công vụ nối đường Điện Biên Phủ với Quốc lộ 19 mới thuộc phường Nhơn Bình thiếu cống thoát nước sẽ gây ngập úng.
Kiểm kê vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:UBND cấp huyện, các sở, ngành đã kiểm kê, đánh giá chất lượng vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có; kiểm tra, bảo dưỡng và vận hành thử ô tô, ca nô, xuồng máy; kiểm tra, rà soát phao tròn, phao áo và phao bè trang bị cho các đội xung kích; rà soát, đánh giá các phương tiện, thiết bị dự kiến huy động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Kết quả kiểm kê phương tiện, trang thiết bị thời điểm 01/07/2016:
- 03 xe cứu hộ các loại, 12 tàu các loại, 448 xuồng, 63 ca nô các loại,
- 12.287 phao áo cứu sinh, 8.774 phao tròn cứu sinh, 98 phao bè;
- 100 ô tô các loại, 40 máy phát điện, 27 máy cưa các loại; 524 bộ nhà bạt;
- 22 súng tín hiệu, 1.654 viên đạn tín hiệu, 09 bộ vượt sông nhẹ.
Trong đó, tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có:
- 826 phao áo cứu sinh, 1.285 phao tròn cứu sinh, 11 phao bè;
- 01 xuồng ST – 450, 07 bộ nhà bạt các loại;
- 291.600 bao cát.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có quyết định cấp hàng dự trữ Nhà nước năm 2016 cho tỉnh Bình Định 1.200 áo phao, 1.500 phao tròn, 20 phao bè, 60 nhà bạt nhẹ, và 01 xuồng ST 660. Hàng sẽ được giao nhận trong tháng 9/2016.
Nâng cao năng lực phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn:Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức huấn luyện thường xuyên cho cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; cử 7 cán bộ tham gia các khóa đào tạo về điều kiển phương tiện thủy và chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển do Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường biển và UBQG Tìm kiếm cứu nạn tổ chức; phối hợp tập luyện và chuẩn bị diễn tập PCTT và TKCN tổ chức vào ngày 26/9 tại Đề Gi, huyện Phù Cát.
Ban Quản lý dự án Quản lý thiên tai WB5 đã tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về quản lý, đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 590 người ở cấp huyện, xã và thôn; hỗ trợ 10 xã vùng dự án lập và cập nhật Kế hoạch PCTT; hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn 10 xã dự án diễn tập PCTT trong tháng 9/2016.
Công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”:- Về chỉ huy tại chỗ: Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã được kiện toàn về nhân sự, các thành viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể.
- Lực lượng tại chỗ: Các lực lượng tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã củng cố, kiện toàn Đội PCTT và TKCN, trung đội xung kích của cơ quan Bộ CHQS tỉnh; 11 đại đội dự bị động viên ở cấp huyện, 159 trung đội dân quân cơ động ở cấp xã, 251 đội xung kích PCTT và TKCN ở các thôn, khu phố; bảo đảm trang bị, phương tiện PCTT và TKCN, sẵn sàng cơ động ứng cứu di dời dân, tìm kiếm cứu nạn trong mưa bão.
Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh củng cố Ban chỉ huy và lực lượng các đồn Biên phòng 308 (Hoài Nhơn), 312 (Phù Mỹ), 316 (Phù Cát), 320 (xã Nhơn Lý, Quy Nhơn), đồn biên phòng Cửa khẩu Quy Nhơn và Hải đội II, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới biển và tìm kiếm cứu nạn.
Công an tỉnh củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo và lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng các trung đội xung kích sẵn sàng nhận nhiệm vụ PCTT và TKCN khi mưa bão.
Các địa phương đã có phương án huy động lực lượng ứng phó với thiên tai. Ở xã, phường sẽ huy động đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ; thành lập các đội thanh niên xung kích từ 30 – 40 người sẵn sàng ứng phó khi xảy ra bão, lũ.
- Vật tư, vật liệu tại chỗ: Đã triển khai dự trữ vật tư chủ yếu tại một số hồ chứa nước, đê, kè xung yếu. Các địa phương còn có phương án huy động vật tư, vật liệu các doanh nghiệp, của các hộ dân trên địa bàn khi cần thiết.
- Hậu cần tại chỗ: UBND các địa phương đã vận động các hộ gia đình vùng thường xuyên ngập lũ dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng trong 7 ngày yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị một lượng hàng tiêu dùng thiết yếu gạo, mì tôm, bánh tránh, dầu ăn, nước uống đóng chai đề phòng mưa bão;.
Bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền.Bình Định có 6.300 tàu thuyền và 42.800 ngư dân, trong đó đánh bắt xa bờ 3.070 tàu. Đã tổ chức được 578 tổ đoàn kết trên biển với 2.443 tàu, tăng 183 tổ/916 tàu so với năm 2015; đã có 2.470 tàu được lắp máy thông tin định vị vệ tinh tăng 550 tàu so với năm 2015.
Việc cứu hộ, cứu nạn trên biển trước hết dựa vào sự giúp đỡ của các tổ, đội đoàn kết tầu thuyền đánh bắt trên biển. Năm 2016, trên biển xảy ra 42 vụ sự cố tàu thuyền/284 người bị nạn, trong đó 7 tàu chìm/53 thuyền viên được cứu vớt. Các tàu SAR, kiểm ngư, hải quân đã cứu nạn 6 sự cố tàu thuyền với 40 thuyền viên.
Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị:
- Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai phương án PCTT và TKCN đến tận cơ sở, cộng đồng; gia cố hồ đập, đê kè, cơ sở hạ tầng thiết yếu, thông thoáng dòng chảy; tổng kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão và báo cáo trước ngày 25/9.
- Củng cố tổ chức, bổ sung dụng cụ, phương tiện và tập huấn, diễn tập các đội thanh niên xung kích, sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi mưa bão.
- Khẩn trương tập kết vật tư, vật liệu phòng chống lụt bão tại các hồ chứa nước, đê kè xung yếu để xử lý sự cố công trình.
- Kiểm tra, vận hành thử phương tiện TKCN bảo đảm sẵn sàng hoạt động; chủ động chuẩn bị vật tư thiết yếu, mua bao cát dự trữ cho công tác PCLB.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ đê, kè, công trình trên sông; bảo đảm an toàn cho công trình đang xây dựng trong mùa mưa lũ.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết tại các cảng, khu neo đậu để tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn.
- Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định và thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Xem báo cáo số 3133/BC-SNN ngày 13/9/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT.