Sẽ có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Thứ sáu - 10/05/2024 13:42
(VOV) Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024)

Thiên tai 4 tháng đầu năm 2024 diễn biến phức tạp

Chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C: "Riêng trong tháng 4/2024 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C, 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28/4/2024 đo được là 44,0 độ C đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng 4/2024".

OngHoangDucCuong
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT)

Theo ông Hoàng Đức Cường, những tháng đầu năm 2024, đã xuất hiện rất nhiều mưa dông kèm mưa đá, tính đến ngày 7/5 trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó tỉnh Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất trên cả nước với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25-50%.

Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực chưa có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung tại một số tỉnh ven biển.

Xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2024

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: "Hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Biến đổi khí hậu từ nay đến cuối năm tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai KTTV phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020".

HNPCTTTW2024
Toàn cảnh Hội nghị

Nhận định xu thế thiên tai KTTV từ tháng 6 đến hết năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn thông tin: "Nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024)".

Thời gian mưa lớn xuất hiện chính ở Bắc Bộ là tháng 7-9, ở Trung Bộ tháng 9-11. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị. Đặc biệt, cảnh báo kịch bản La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều trong các tháng cuối năm 2024 tại khu vực Trung Bộ.

Lưu vực sông Bắc Bộ: Đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2023 và thấp hơn TBNN. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 7-9/2024.

Lưu vực sông Trung Bộ, Tây Nguyên: Đỉnh lũ ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở mức BĐ2-BĐ3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức trên BĐ2.

Lưu vực sông Nam Bộ: Mùa lũ 2024 trên sông Mê Công xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức BĐ1; đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

Dự báo ven biển Đông Nam Bộ có 03 đợt triều cường cao, vào các ngày 18-23/9, 16-22/10, 12-20/11 và 12-18/12. Trong đó, đợt triều ngày 16-22/10 và 12-20/11, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3m. Nguy cơ cao ngập úng khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao nhất là khi trùng với thời gian gió chướng hoạt động mạnh tại khu vực. Trong tháng 7-8/2024, ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ có khả năng xuất hiện 1-2 đợt nước biển dâng bất thường kèm theo sóng lớn gây sạt lở đê biển, nhất là tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Như vậy, trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm. Mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu tương tự với mùa mưa bão năm 2020.

Văn Ngân/VOV.VN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay4,417
  • Tháng hiện tại124,518
  • Tổng lượt truy cập16,336,401
global slide list video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây