Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, mặc dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về người. Cụ thể, năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; hơn 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước đã gây thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành nhận định tình hình thiên tai năm 2020 về bão, mưa, lũ và hạn hán với dự báo có nhiều diễn biến bất thường, cực đoan có thể tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực và rủi ro thiên tai có xu hướng gia tăng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực sẽ lên cao. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như những giải pháp thiết thực trong công tác này.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, năm 2019, hạn hán đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh hơn 11.445 ha lúa vụ Thu, trong đó 481 ha lúa bị chết, 54.809 người dân thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển gây ra 67 vụ tàu thuyền bị nạn với 521 thuyền viên. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Bình Định tiếp tục đối mặt với tình hình hạn hán gay gắt, 5.165 ha buộc phải bỏ trống, không sản xuất. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ trong ứng phó thiên tai, nhưng với địa phương còn nhiều khó khăn, tỉnh cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương, trong đó bao gồm việc: Nâng cao năng lực dự báo thiên tai; Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá bảo đảm an toàn; tạo điều kiện cho Bình Định tiếp cận các nguồn vốn vay để nâng cấp các hồ chứa và triển khai các dự án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Bình Định kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh triển khai chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để bảo vệ đất, phát triển du lịch và phát triển kinh tế biển; sửa đổii các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế đê biển phù hợp với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và gió, bão.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hội nghị đưa ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là từ nay đến cuối năm 2020 tiến hành rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Sẵn sàng, vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời các sự cố thiên tai; Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, khẩn trương kiểm tra, rà soát, khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình, đặc biệt là hệ thống đê, điều, hồ đâp, khu tàu thuyền neo đậu tránh trú bão.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcbiểu dương Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác này. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến khá phức tạp, các bộ, ngành địa phương không được chủ quan, lơ là để góp phần ổn định, bảo vệ, hạn chế thấp nhất số lượng người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN từ Trung ương đến địa phương và rà soát lại phương án PCTT và TKCN năm 2020 đã xây dựng, tránh tình trạng chủ quan, lúng túng khi xảy ra. Các Bộ, ngành, chính quyền các cấp phải chú trọng nâng cao năng lực dự tính, dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ quét và sạt lở đất; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực PCTT và TKCN cộng đồng. Mặt khác, hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, sạt lở đất làm cơ sở để thực hiện PCTT hiệu quả. Ưu tiên bố trí nguồn lực đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng bị thiên tai ...
Thùy Trang
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Văn Phòng UBND tỉnh Bình Định ( https://vpub.binhdinh.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-ubnd-tinh/9002-hoi-nghi-truc-tuyen-phong-chong-thien-tai.html)
Những tin mới hơn