Bình Định: Sơ tán hơn 65.000 người dân

Thứ ba - 27/09/2022 14:12
Tỉnh Bình Định đã xác định 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất; chủ động phương án, kế hoạch sơ tán 18.995 hộ/65.404 người dân bị ảnh do bão số 4.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn động viên, thăm hỏi bà con tại huyện An Lão - Ảnh: VGP/Minh Trang

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn động viên, thăm hỏi bà con tại huyện An Lão - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đến sáng 27/9, toàn tỉnh Bình Định có 164 hồ chứa, lượng nước tại các hồ chứa đạt khoảng 30% tổng dung tích thiết kế. Trên địa bàn tỉnh còn có 4.173 ha lúa Mùa và 7.448 ha cây trồng cạn; 1.423 lồng nuôi cá biển, 374 lồng nuôi tôm hùm.

Hiện có 300 tàu/2.235 người dân đang hoạt động ở khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa; khu vực Trường Sa có 305 tàu/2.270 người.

Đáng chú ý là có 216 tàu/1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận được thông tin về cơn bão số 4 đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp nhận 5.600 tàu thuyền đang neo đậu. Toàn bộ các tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn cũng đã di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều 26/9. Đối với khách du lịch, hiện có 1.033 khách đang lưu trú ở TP. Quy Nhơn đã nhận đầy đủ thông tin về cơn bão.

Nhiều khu vực tại huyện An Lão có nguy cơ sạt lở cao - Ảnh: VGP/Minh Trang

Nhiều khu vực tại huyện An Lão có nguy cơ sạt lở cao - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tỉnh cũng đã xác định 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất; chủ động phương án, kế hoạch sơ tán 18.995 hộ/65.404 người dân bị ảnh do bão số 4. Công tác ứng phó với bão thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ".

Tỉnh sẽ huy động lực lượng tại chỗ gồm 42.249 người; trong đó, Quân đội 1.042 chiến sĩ, Biên phòng 279 chiến sĩ, Công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.805 người. Phương tiện tại chỗ thường trực hiện có 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng, chống thiên tai; phương tiện huy động gồm 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.

Đối với công tác hậu cần tại chỗ, ngoài việc người dân dự trữ trong 7 ngày, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ 2.191.600 gói mì ăn liền, 1.500 kg lương khô, 144.690 chai nước uống, 274.000 viên Cloramin B, 1.350 kg bột Cloramin B.

Tàu cá tại TX. Hoài Nhơn đã neo đậu an toàn - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tàu cá tại TX. Hoài Nhơn đã neo đậu an toàn - Ảnh: VGP/Minh Trang

Khẩn trương ứng phó với bão số 4, Tỉnh ủy Bình Định đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng, chống bão; các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hoãn tất cả hội nghị, các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai phòng, chống bão. Tỉnh xác định ưu tiên bảo đảm an toàn cho người là trên hết, trong đó chú trọng kiểm tra, không cho người ở trên các lồng bè và trên thuyền đã vào khu neo đậu; không cho người ra đường khi có bão; hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn khi có bão; lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự... Các công tác chuẩn bị phải được hoàn thành trước 13h ngày 27/9.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại một số công trình giao thông, thủy lợi đang thi công gồm: Đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn), dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; kiểm tra tình hình tàu thuyền vào tránh trú bão ở cảng cá Quy Nhơn, việc bốc dở hàng hóa và tàu thuyền ra vào cảng Quy Nhơn...

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban Quản lý cảng cá Bình Định tập trung lực lượng, phối hợp với các ngành chức năng liên quan kêu gọi, hướng dẫn bà con đưa tàu vào neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 tại TX. Hoài Nhơn và các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ. Tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện nhanh chóng thông báo cho người dân biết nguy cơ bị sạt lở đất, đồng thời sẵn sàng phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn. Bên cạnh đó, kiểm tra rà soát toàn bộ các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, bố trí lực lượng ngăn cấm người dân đi lại khi xảy ra sạt lở đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn kiểm tra các xã ven biển tại huyện Phù Mỹ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn kiểm tra các xã ven biển tại huyện Phù Mỹ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tại bãi biển các xã Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Đức... của huyện Phù Mỹ, người dân đang khẩn trương sơ tán tàu bè, chèn chống nhà cửa. Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, đã kiểm tra và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai sơ tán dân, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn trước và trong khi bão xảy ra. Hiện Phù Mỹ dự kiến có 269 hộ/1.059 khẩu bị ảnh hưởng nước biển triều cường dâng cao, 167 hộ/643 khẩu bị ảnh hưởng ngập lụt. Trong ngày 26/9, UBND huyện Phù Mỹ đã huy động lực lượng xung kích tại địa phương và hỗ trợ từ lực lượng vũ trang, trưng dụng các phương tiện xe cơ giới, ghe xuồng và xe máy của cá nhân... để di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn.

Nhân dân huyện Phù Mỹ khẩn trương đưa thuyền bè vào bờ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Nhân dân huyện Phù Mỹ khẩn trương đưa thuyền bè vào bờ - Ảnh: VGP/Minh Trang

UBND huyện Phù Mỹ cũng chỉ đạo các xã ký kết hợp đồng với các đại lý cung cấp thực phẩm, nước uống, đảm bảo cung cấp trong 7 ngày. Ngoài ra các xã chủ động chuẩn bị trước lượng thực thực phẩm để đảm bảo cung cấp khi sơ tán dân...

Minh Trang (baochinhphu.vn)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay10,551
  • Tháng hiện tại313,157
  • Tổng lượt truy cập17,019,482
global slide list video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây