Kế hoạch PCTT giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bình Định

Thứ ba - 30/08/2016 11:31
Kế hoạch phòng, chống thiên tai giúp chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định trong những năm tới.
Kế hoạch Phòng chống thiên tai giai đoạn 2016 – 2020 gồm 2 phần:
Phần 1: Tình hình thiên tai và các thông tin cơ bản về Phòng chống thiên tai.
Phần 2: Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

PHẦN 1. TÌNH HÌNH THIÊN TAI VÀ CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
I. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội
1. Vị trí địa lý
Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên: 6.025 km² với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Quy Nhơn và 10 huyện, thị xã. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, điểm cực Bắc 14042’10” vĩ độ, 108055’4” kinh độ. Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, điểm cực Nam 13039’10” vĩ độ, 108054’00” kinh độ. Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, điểm cực Tây 14027’ vĩ độ, 108027’ kinh độ. Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 134 km, điểm cực Đông là xã Nhơn Châu thuộc thành phố Quy Nhơn. Bình Định có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung, là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

2. Đặc điểm địa hình
Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khoảng 1.000m. Các dạng địa hình phổ biến: Vùng núi đồi và cao nguyên, vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
Vùng núi đồi và cao nguyên diện tích 4.200 km2 với độ cao trung bình 500 - 1.000 m. Các dãy núi chạy theo hướng Bắc - Nam, có sườn dốc đứng. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Vùng đồi tiếp giáp giữa miền núi phía Tây và đồng bằng phía Đông, có diện tích 1.600 km2, có độ cao dưới 100m, độ dốc tương đối lớn từ 100 – 150. Vùng đồng bằng diện tích khoảng 1.000 km², được ngăn cách với biển bởi các đầm phá, đồi cát hay dãy núi. Vùng ven biển gồm các cồn cát tạo thành một dãy hẹp chạy dọc ven biển, độ cao vài chục mét. Bình Định còn có 33 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Nhơn Châu là đảo lớn nhất diện tích 3,64 km² có trên 2.000 dân.

3. Đặc điểm khí hậu
Bình Định thuộc khí hậu duyên hải Nam Trung Bộ - miền khí hậu Đông Trường Sơn. Có hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 1 – 8, mùa mưa từ tháng 9 – 12. Mùa mưa thường chịu ảnh hưởng các cơn bão với tần suất trung bình từ 1 – 2  cơn/năm.
Khí hậu Bình Định được phân thành ba vùng chính: Vùng 1 là vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh bao gồm huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, các xã phía Tây huyện Hoài Ân và các xã vùng núi phía Tây huyện Hoài Nhơn. Vùng này có tổng lượng mưa năm từ 2.200 mm trở lên, nhiệt độ trung bình năm dưới 260C. Vùng 2 là vùng núi phía Nam tỉnh bao gồm huyện Tây Sơn, Vân Canh và các xã phía Tây huyện Phù Cát, có tổng lượng mưa năm từ 1.800 - 2.100 mm, nhiệt độ trung bình năm dưới 260C. Vùng 3 là vùng đồng bằng ven biển của tỉnh, có tổng lượng mưa năm dưới 1.700 - 2.200 mm, nhiệt độ trung bình năm trên 260C.
- Chế độ nhiệt: Tổng lượng bức xạ hàng năm khá cao: Từ 140 đến 150 cal/cm2. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,10C. Trung bình cao nhất là 34,60C, trung bình thấp nhất là 19,90C. Biên độ ngày đêm trung bình 5 - 80C.
- Số giờ nắng: Bình Định là tỉnh nằm trong vùng có số giờ nắng khá cao; trung bình hàng năm có số giờ nắng 2.200 - 2.400 giờ. Thời kỳ nhiều nắng là từ tháng 3 đến tháng 9 và tháng ít nắng là tháng 11 và tháng 12.
- Bốc hơi: Lượng bốc hơi tiềm năng trong năm và tăng dần từ Bắc vào Nam tỉnh. Tại Hoài Nhơn là 1.029 mm và tăng dần đến Quy Nhơn là 1.131 mm. Bốc hơi tập trung trong các tháng mùa hạ từ tháng 6 - 8 và tháng có lượng bốc hơi ít là tháng 10, tháng 11.
- Chế độ ẩm: Độ ẩm trong khu vực khá thấp, trung bình hàng năm khoảng 79%. Từ tháng 10 – 12  hàng năm tương đối ẩm và từ tháng 1 – 9 là thời kỳ khô.
- Chế độ mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.800 - 3.300 mm. Lượng mưa giảm dần từ Bắc đến Nam tỉnh, cao nhất vùng núi huyện An Lão 3.300 mm, thấp nhất tại các xã huyện Tuy Phước với lượng mưa dưới 1.700 mm.
Mùa mưa ngắn, chỉ tập trung vào 4 tháng từ tháng 9 – 12, chiếm 70% đến 80% tổng lượng mưa năm. Do mùa mưa ngắn, cường độ mưa lớn nên thường gây ngập, úng làm thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Mùa khô kéo dài từ tháng 1 – 8, lượng mưa 20 đến 30% tổng lượng mưa năm. Đây là mùa ít mưa nên thường xảy ra khô hạn.
- Gió, bão: Hướng gió mùa Đông là hướng Tây Bắc, sau đó đổi sang hướng Bắc và Đông Bắc. Mùa Hạ là hướng Tây hoặc Tây Nam. Bão thường tập trung vào tháng 9, 10, 11. Nhiều nhất là tháng 10 chiếm 47% tổng số cơn bão đổ bộ.

4. Đặc điểm sông ngòi
Các sông không lớn, độ dốc cao, ngắn, hàm lượng phù sa thấp, tổng trữ lượng nước khoảng 5,2 tỷ m³. Có 4 lưu vực sông chính là sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh.
a) Sông Lại Giang
Sông Lại Giang gồm hai nhánh sông: sông An Lão bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc An Lão giáp tỉnh Quảng Ngãi chảy qua huyện An Lão theo hướng Bắc - Nam; sông Kim Sơn bắt nguồn từ vùng núi rừng huyện Hoài Ân chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Sông An Lão và sông Kim Sơn nhập lưu tại ngã ba cách cầu Bồng Sơn khoảng 2km về phía Tây rồi đổ ra biển qua cửa An Dũ.
Diện tích lưu vực tính đến ngã ba nhập lưu là 1.272km2. Trong đó sông An Lão là 697km2, sông Kim Sơn là 575km2. Tổng diện tích lưu vực là 1.402km2, chiều dài sông chính là 85km.
Trên lưu vực sông Lại Giang có 01 trạm thủy văn cấp I, 01 trạm thủy văn cấp III, 01 trạm khí tượng cấp I và 01 điểm đo mưa.
b) Sông La Tinh
Sông La Tinh là sông nhỏ nhất trong bốn con sông chính của tỉnh, sông bắt nguồn từ vùng rừng núi cao 400 – 700m phía Tây huyện Phù Mỹ, Phù Cát chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến đập Cây Gai chuyển sang hướng Tây - Đông, sau đó đến đập Cây Ké chuyển hướng Đông Bắc và đổ vào đầm Nước Ngọt rồi thông qua biển qua cửa Đề Gi; diện tích lưu vực là 780 km2, chiều dài sông chính là 52km.
Trên lưu vực hiện nay chỉ có 02 điểm đo mưa phục vụ phòng chống lụt bão là điểm đo mưa Phù Mỹ và Đề Gi. Không có trạm thủy văn, số liệu thủy văn dùng để tính toán và diễn toán ngập lụt được kéo dài từ trạm đo mưa Phù Mỹ.
c) Sông Kôn
Sông Kôn là sông lớn nhất trong các sông có tổng diện tích lưu vực là 3.067km2, chiều dài sông chính 178km. Sông bắt nguồn từ vùng rừng núi của dãy Trường Sơn với độ cao từ 700 - 1.000m. Sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến Thanh Quan - Vĩnh Phúc sông chảy theo hướng Bắc – Nam, về đến Bình Tường sông chảy theo hướng Tây - Đông và đến Bình Thạnh sông chia thành hai nhánh chính gồm, nhánh Đập Đá chảy ra cửa An Lợi rồi đổ vào đầm Thị Nại, nhánh Tân An có nhánh sông Gò Chàm cách ngã ba về phía hạ lưu khoảng 2 km, sau khi chảy trên vùng đồng bằng rồi nhập với sông Tân An cùng đổ vào đầm Thị Nại tại cửa Tân Giảng. Tất cả các nhánh sông Đập Đá và Tân An sau khi đổ vào đầm Thị Nại được thông ra biển qua cảng Quy Nhơn.
d) Sông Hà Thanh
Sông Hà Thanh bắt nguồn từ những đỉnh núi cao 1.100m phía Tây Nam huyện Vân Canh chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Khi chảy về đến Diêu Trì sông chia thành hai nhánh, nhánh Hà Thanh và Trường Úc đổ vào đầm Thị Nại qua hai cửa Hưng Thạnh và Trường Úc rồi thông ra biển qua cảng Quy Nhơn. Diện tích lưu vực toàn bộ là 539km2, chiều dài sông chính là 58km.
Trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh có 05 trạm thủy văn cấp III, 01 trạm hải văn, 01 trạm khí tượng cấp I, 01 trạm khí tượng nông nghiệp và 04 điểm đo mưa, tài liệu quan trắc hầu hết từ năm 1976 đến nay. Số liệu đảm bảo chất lượng tốt cho việc nghiên cứu khoa học.
e) Các lưu vực sông nhỏ ven biển
- Lưu vực sông Quy Thuận bắt nguồn từ vùng núi cao 700m phía Tây xã Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, sau đó chuyển sang hướng Tây - Đông và đổ qua cửa biển Tam Quan ra Biển Đông. Diện tích hứng nước 82,38 km2.
- Lưu vực sông Nồm bắt nguồn từ vùng núi cao 600m phía Tây xã Hoài Phú và xã Hoài Hảo của huyện Hoài Nhơn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển qua cửa Tam Quan Bắc. Diện tích hứng nước 90,68 km2.
- Lưu vực sông Ông Điều bắt nguồn từ vùng núi cao 500m phía Tây xã Mỹ Châu và xã Mỹ Lộc của huyện Phù Mỹ chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào đầm Trà Ổ rồi thông ra Biển Đông. Diện tích hứng nước 41,63 km2.
- Lưu vực sông Công Sơn phía bắc giáp lưu vực sông Ông Điều, phía nam giáp lưu vực sông Trà Ổ, phía tây giáp lưu vực sông Lại Giang và lưu vực sông La Tinh. Sông bắt nguồn từ vùng rừng núi cao 500m phía Tây xã Mỹ Lộc của huyện Phù Mỹ chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam sau đó chuyển sang hướng Tây - Đông và đổ vào đầm Trà Ổ rồi thông ra Biển Đông. Diện tích hứng nước 26,68 km2.
- Lưu vực sông Trà Ổ phía bắc giáp lưu vực sông Công Sơn, phía Tây và Nam giáp lưu vực sông La Tinh, phía Đông giáp xã Mỹ Thạnh của huyện Phù Mỹ, sông bắt nguồn từ vùng rừng núi cao 600m phía Tây xã Mỹ Phong của huyện Phù Mỹ chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam sau đó chuyển sang hướng Tây - Đông và đổ vào đầm Trà Ổ rồi thông ra Biển Đông. Diện tích hứng nước 36,65 km2.

5. Hiện trạng Kinh tế xã hội
a. Đặc điểm dân cư
Dân số của Bình Định năm 2014 là 1.514.500 người (Trong đó: nữ chiếm khoảng 51,0%  và nam chiếm khoảng 49,0% dân số toàn tỉnh).
 Dân cư nông thôn có 1.045.000 người, chiếm 69,0% dân số toàn tỉnh; thành thị có 469.500 người, chiếm 31,0% dân số toàn tỉnh. Cộng đồng dân cư gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó: người Kinh chiếm 98%; dân tộc Ba Na chiếm 1,14%; dân tộc Hrê chiếm 0,4%, dân tộc Chăm chiếm 0,2% và các dân tộc khác chiếm 0,26%.
Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh 250,3 người/km2. Dân số phân bố không đều, ở miền núi 31 - 115 người/km2, các huyện đồng bằng ven biển 497 - 845 người/km2, khu vực đô thị xấp xỉ 1.000 người/km2. Chi tiết theo phụ lục 1.
b. Tình hình kinh tế
Cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) các ngành kinh tế của thời kỳ năm 2010 - 2014 chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng cụ thể như sau:
- Năm 2010 tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản là 34,6% , Công nghiệp - Xây dựng là 29,2% và Dịch vụ là 36,0%.
- Năm 2014 tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản là 30,0% , Công nghiệp - Xây dựng là 28,9% và Dịch vụ là 41,0%. Chi tiết theo phụ lục 2.
Cả giai đoạn của thời kỳ 2010 - 2014 kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng liên tục. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Định (theo giá so sánh 2010) năm 2010 đạt 26.396 tỷ đồng đến năm 2014 đã đạt 37.144 tỷ đồng. Nhịp độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2010 - 2014 là 10,8%, trong đó các ngành thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11%; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 10,6%; dịch vụ tăng 10,9%.


I. Các loại hình thiên tai và phạm vi ảnh hưởng

1. Đặc điểm và phạm vi ảnh hưởng

Bình Định hằng năm thường bị tác động trực tiếp các loại thiên tai gồm bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, nắng nóng, hạn hán, dông lốc, triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở đất và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như nước biển dâng, gió Tây khô nóng, gió mùa Đông Bắc.
Bão và áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện vào mùa mưa từ tháng 9 – 12, nhiều nhất là tháng 10 và 11. Trung bình mỗi năm chịu tác động trực tiếp của 1 – 2 cơn bão. Từ năm 1975 đến nay đã quan trắc được gió,  tốc độ gió bão 40 m/s tại Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn (năm 1984, 1995). Trước năm 1975, đã quan trắc được gió bão 59 m/s tại Quy Nhơn vào ngày 16/9/1972. Hướng gió mạnh ở phía Bắc tỉnh chủ yếu là Bắc đến Tây Bắc; phía Nam tỉnh hướng Tây, Bắc và Tây Bắc. Gió mạnh thường xuất hiện tại vị trí bão đổ bộ không có địa hình che chắn; tại khe núi, thung lũng gió cũng mạnh hơn. Khi đổ bộ vào đất liền, bão thường gây mưa từ 200 – 300 mm trong 2 – 3 ngày; bán kính 100 – 200 km; phía Bắc tỉnh vùng An Lão, Hoài Ân thường mưa nhiều hơn. Khi kết hợp với không khí lạnh, diện mưa sẽ mở rộng, thời gian mưa tới 5 – 6 ngày, lượng mưa có thể 700mm. Đặc biệt, nơi có địa hình đón gió bão thường có mưa rất lớn.
Lũ lụt xảy ra trên phạm vi rộng, bình quân mỗi năm xảy ra 3,5 đợt lũ. Năm nhiều nhất có 8 đợt lũ (1999), năm ít nhất có 2 trận lũ (2004). Lũ lụt phổ biến nhất là lũ chính vụ xuất hiện vào tháng 10, 11. Lũ tiểu mãn xuất hiện vào thời kỳ mùa hạ, tháng 5. Lũ sớm xuất hiện vào tháng 9 và lũ muộn xuất hiện vào tháng 12. Thời gian mưa gây lũ mỗi đợt thường từ 2 – 3 ngày có đợt lên đến 5 ngày. Tổng lượng mưa từ 200 – 300 mm, có đợt lên đến 400 – 750 mm. Đợt lũ lịch sử từ ngày 14 – 17/11/2013 lượng mưa phổ biến từ 250 – 450mm. Tổng lượng dòng chảy trong mùa lũ chiếm tới 70% lượng dòng chảy cả năm. Thời kỳ đầu mùa lũ với lượng mưa trung bình trên lưu vực xấp xỉ 50 mm chỉ làm mực nước trên các sông dao động hoặc lũ nhỏ. Lũ ở mức báo động I – II xuất hiện khi trên lưu vực có lượng mưa từ 100 – 150 mm; Lượng mưa trên lưu vực từ 150 – 250 mm, mực nước các sông ở hạ lưu xấp xỉ hoặc vượt báo động III. Qua số liệu thống kê nhiều trận lũ trong nhiều năm, lượng mưa sinh lũ trung bình thường từ  130 – 200 mm.
Tình hình khô hạn xảy ra khi tháng 1 – 8 có lượng mưa ít, thiếu hụt từ 50 – 70% so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng kỳ, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp. Hầu hết các lưu vực sông thường xảy ra khô hạn khi nắng nóng kéo dài, trong khi lượng nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô lại rất lớn. Qua số liệu quan trắc nhiều năm 1983, 1987, từ 1991 – 1993, 1998, 2013 – 2015 tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng vào mùa cạn. Đặc biệt lưu lượng nước thấp nhất trong chuỗi số liệu đo được năm 1983 tại trạm Bình Tường 1,1m3/s, năm 1987 tại trạm An Hoà 1,35m3/s. Nhiều sông suối cạn kiệt nước hoàn toàn trong những năm gần đây.
Gió mùa Đông Bắc gây ảnh hưởng hàng năm. Thời kỳ đầu tháng 10, tháng 11, có năm đến tháng 12. Gió mùa đem thời tiết khô hanh cho các tỉnh miền Bắc, nhưng quá trình xuống phía Nam có nhiều hơi nước, gây thời tiết ẩm ướt các tỉnh duyên hải Trung Bộ. Thời kỳ sau khoảng từ tháng 1 – 4, có năm kéo dài đến tháng 5, gió mùa Đông Bắc tràn về kèm theo lượng mưa ít ỏi, gây ra loại thời tiết khô hanh cho khu vực. Trung bình có 10 đợt gió mùa Đông Bắc/năm ảnh hưởng.
Gió Tây khô nóng xuất hiện vào giữa và cuối tháng V; khoảng 20 – 40 ngày ở vùng ven biển, 40 – 60 ngày ở những thung lũng thấp. Gió Tây kéo dài từ tháng 6 – 8. Gió Tây khô nóng mạnh nhiệt độ cao nhất ≥ 370C. Gió Tây khô nóng nhiều nhất vào các năm 1982, 1986, 1987, 1992, 1993 với tổng số ngày trong năm từ 50 – 73 ngày.


2. Tác động của thiên tai

Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt gây hậu quả rất nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ 1990 đến nay, năm nào cũng xảy ra bão, lũ lụt. Bình quân mỗi năm xảy ra 3,5 đợt lũ, chịu ảnh hưởng của 1 – 2 cơn bão. Trong giai đoạn 1999 – 2014, Bình Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của 10 cơn bão, 368 người chết, 279 người bị thương, gần 7.000 hộ gia đình nhà bị sập, 56.500  nhà bị hư hỏng, 500 tàu bị chìm và hư hỏng nặng, giá trị thiệt hại 6.600 tỷ đồng. Năm 2013, mưa rất to từ ngày 13 – 17/11 đã làm 19 người chết, 14 người bị thương, 101.470 nhà bị ngập nước, 510.000 người bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính 2.125 tỷ đồng.
Hạn hán thường xảy ra vào thời kỳ mùa khô gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống. Thiếu nước, diện tích canh tác đất nông nghiệp phải bỏ hoang và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nuôi trồng thủy sản không sản xuất được do độ mặn tăng cao. Giống vật nuôi phát sinh dịch bệnh và chết làm ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, từ năm 2010 – 2015, hạn hán đã làm giảm năng suất 78.705 ha cây màu, trong đó có 7.962 ha cây trồng bị mất trắng, 376.260 lượt người với 94.065 hộ thiếu nước uống.
Gió Tây khô nóng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và sản xuất nhân dân. Xuất hiện sớm vào tháng 3 và kéo dài ảnh hưởng lúa vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu, gió Tây khô nóng gây hại từ lúc gieo sạ đến thu hoạch của nhiều loại cây trồng. Ngoài ra gió Tây còn làm giảm năng suất thịt, sữa, trứng của gia súc, gia cầm; phát sinh nhiều dịch bệnh ảnh hưởng sức khỏe con người.
Với triều cường ít xuất hiện hơn nhưng ảnh hưởng lớn, nhất là các vùng ven biển. Triều cường thường xuất hiện vào thời kỳ trăng non của các tháng cuối mùa mưa tháng 12 và tháng 01, 02 năm sau; gây sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa, tàu thuyền và gây chết người.
Xâm nhập mặn cũng thường xảy ra vào mùa khô hạn. Độ mặn của nước tại các cửa sông, đầm và ven biển tăng nhanh, lấn sâu vào đất liền làm thay đổi môi trường nước ngọt. Một số diện tích đất canh tác, thủy sản nước ngọt bị nhiễm mặn không sản xuất được. Một khi hạn hán kéo dài kết hợp các đợt thủy triều dâng cao làm xâm nhập mặn phát tán nhanh trên phạm vi rộng.
Sạt lở đất ở các vùng đồi núi, bờ sông, bờ biển đã trở thành phổ biến trong tỉnh, nhất là khi có tác động mạnh của bão, lũ, triều cường. Sạt lở đất thường gây hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng, uy hiếp các khu dân cư, làm mất đất, gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội và môi trường.
Ngoài ra, các loại hình thiên tai mang tính tiềm ẩn như siêu bão, động đất, sóng thần tuy chưa xảy ra nhưng cũng đang được quan tâm. Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc đổ bộ của những cơn siêu bão cấp 15, 16 với nguy cơ nước biển dâng trong bão có thể lên tới 3,0 – 3,2m. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu nhiều tổ hợp bão – nước biển dâng khác nhau, xác định kịch bản bất lợi nhất là bão mạnh cấp 16 đổ bộ vào phía Nam tỉnh, kèm theo nước biển dâng trên 2,0 m.
 
 III. Cơ sở hạ tầng và nguy cơ tổn thương

1. Nhà ở, khu đô thị, kinh tế, công nghiệp

Toàn tỉnh có 246.270 nhà kiên cố trên tổng số 392.850 nhà, chiếm 63%; còn gần 40% là nhà bán kiên cố và đơn sơ tập trung vùng nông thôn, ven biển. Nhà bán kiên cố chỉ chịu được gió bão cấp 8, nhà đơn sơ chỉ chịu được gió bão cấp 6. Vì vậy vùng nông thôn và ven biển khi xảy ra gió bão cấp 6 trở lên, các hộ gia đình nhà đơn sơ phải thực hiện sơ tán trước về nơi trú tránh an toàn. Vùng ven biển Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn có hơn 36.000 người dân với 8.060 hộ cần có nhà ở kiên cố hoặc tái định cư về nơi an toàn. Cả tỉnh có 175.183 người cao tuổi, 774.700 phụ nữ là đối tượng đặc biệt quan tâm khi có thiên tai xảy ra. Chi tiết theo phụ lục 3.
Trên toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1, trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của tỉnh. Năm 2013 tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh 31%. Các khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng như: khu kinh tế Nhơn Hội 12.000 ha; Khu công nghiệp Phú Tài 328 ha, Long Mỹ 200 ha, Nhơn Hòa 314 ha; Cụm công nghiệp Quang Trung, Nhơn Bình, Phước An, Bình Định, Gò Đá Trắng, Cát Nhơn…
Sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp và các công trình xây dựng mới thiếu sự quy hoạch đồng bộ với tiêu thoát lũ, gây nên sự úng ngập trong thành phố và vùng ngoại ô. Thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, tài sản của dân và đặc biệt thiệt hại của các khu kinh tế, công nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân là mối quan tâm lo lắng về trình trạng mưa bão, lũ lụt hiện nay.


2. Cơ sở giáo dục, đào tạo

Toàn tỉnh có 432 trường học phổ thông, trong đó có 243 trường tiểu học, 142 trường Trung học cơ sở và 47 trường Trung học phổ thông; có 118 trường đạt chuẩn quốc gia. Còn trên 22% phòng học bán kiên cố, đang xuống cấp, là mối lo ngại của nhà trường và phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, còn có trường Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, Cao đẳng Y tế, Cao đằng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), một số trường Trung cấp và một số Trung tâm đào tạo nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và khu vực.
Với 13.650 cán bộ giáo viên nữ, 54.000 học sinh mầm non, 124.000 học sinh tiểu học và 94.000 học sinh trung học cơ sở là đối tượng dễ bị tổn thương bởi mưa bão, lũ lụt.
 
3. Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế
Hệ thống cơ sở y tế của tỉnh gồm: 1 bệnh viện đa khoa tỉnh 1.100 giường, 1 bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn, 1 bệnh viện đa khoa tư nhân, 2 bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn và Phú Phong, 05 bệnh viện chuyên khoa, 10 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các trung tâm y tế huyện, trạm xá xã đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Với chương trình kiên cố hóa các cơ sở y tế phòng chống thiên tai trong 3 năm (2012 – 2014) từ các nguồn ngân sách khác nhau, đến nay các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực, tuyến huyện, các trung tâm y tế huyện, trạm xá xã đã được kiên cố hóa, chống chịu được gió bão cấp 9 – 10, là nơi khám chữa bệnh kết hợp tránh trú gió bão cho nhân dân.


4. Hệ thống đường giao thông

Bình Định có đủ các hình thức giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và đường biển. Trong đó, hệ thống giao thông đường bộ có trên 9.437 km, mật độ phân bố 0,87 km/km2. Hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh 308,5 km, gồm Quốc lộ 1A, 1D, 19, 19B, 19C. Hệ thống đường địa phương gồm 455,3 km đường tỉnh, 490,1 km đường huyện, 613,4 km đường đô thị, 207 km đường chuyên dùng và 7.363 km đường giao thông nông thôn.
Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đã đạt chuẩn; các đường trục thôn, xóm được bê tông hóa đạt khoảng 70% ở đồng bằng, 50% ở miền núi.
Tuy nhiên một số tuyến tỉnh lộ thường bị ngập và chia cắt, cần quan tâm. Tuyến 629 Bồng Sơn – An Lão, Bồng Sơn – Hoài Hương; Tuyến 636A Đập Đá – Nhơn Hạnh; Tuyến 640 Tuy Phước – Gò Bồi – Cát Chánh;  Tuyến 639 Nhơn Hội – Tam Quan; Tuyến 637 Vườn Xoài – Vĩnh Sơn; Tuyến 638 Diêu Trì – Vân Canh. Giao thông các xã vùng cao An Nghĩa, An Vinh của huyện An Lão; xã Canh Liên huyện Vân Canh; các xã Ân Phong, Ân Mỹ, Ân Thạnh, huyện Hoài Ân cũng bị chia cắt khi mưa lũ.
Hiện nay các cầu, cống trên Quốc lộ 1A, 1D, 19 đang mở rộng, nâng cấp. Các đường thi công tạm, đê bao đắp ngang qua sông, suối ách tắt dòng chảy, gây úng ngập khi mưa lũ. Tuyến đường quốc lộ 19B đang thi công từ cầu Bà Di đến Nhơn Hội sẽ gây úng ngập nếu không thông thoáng dòng chẩy lũ.


5. Hệ thống thủy lợi

Toàn tỉnh có 479 công trình thủy lợi. Trong đó có 161 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa là 597,5 triệu m3 nước; 183 đập dâng và 134 trạm bơm, với tổng diện tích tưới 68.585 ha. Nguồn nước đảm bảo tưới ổn định cho 112.000 ÷ 117.000 ha, bằng 77% diện tích gieo trồng hàng năm, trong đó 90% diện tích lúa.
Nhưng các hồ chứa cũng là mối hiểm họa cho dân cư vùng hạ lưu nếu xảy ra sự cố về công trình. Qua kiểm tra, có 40 hồ chứa không bảo đảm an toàn, trong đó có 25 hồ chứa cần ưu tiên nâng cấp sửa chữa.
Phần lớn các đập dâng xây dựng từ trước năm 1990, kết cấu đập là bê tông, đá xây, cửa thả phai gỗ. Nhiều đập đã bị xuống cấp, hư hỏng, vận hành khó khăn. Đập Bình Thạnh, đập Lão Tâm bị xói lở nặng phía bờ hữu hạ lưu đập, đập An Thuận hư hỏng sân sau hạ lưu. Cần tiến hành tu bổ, gia cố các hư hỏng để đối phó với mưa lũ.
Đã kiên cố hóa được 218 km/ 828 km đê sông, đê biển, góp phần bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng ven đê. Có 4 hệ thống đê biển, Tam Quan - Chương Hòa dài 6 km, Đề Gi 16,9 km, Hoài Hương - Hoài Mỹ 4,5 km và Đê Đông 47 km. Hệ thống đê, kè bảo vệ dân cư, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng những khu vực xung yếu vùng trung du, vùng đồng bằng dọc theo 4 sông lớn Lại Giang, La Tinh, sông Kôn và Hà Thanh. Khi mưa lũ lớn diện rộng, kết hợp với triều cường thì vùng hạ lưu của bốn sông lớn xảy ra ngập lụt. Hệ thống đê hiện có chỉ đảm bảo chống đỡ được với gió bão cấp 7 – 8 khi không có triều cường. Còn hơn 160 km đê kè hư hỏng cần sửa chữa, nâng cấp.
Có 2.944 km kênh mương, chủ yếu là kênh đất 2.036 km chiếm 70%. Hàng năm lũ lụt gây sạt lở, bồi lấp kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân


6. Hệ thống điện
lưới
Bao gồm lưới truyền tải và lưới phân phối, lưới truyền tải từ các trạm khu vực trạm 500 kV Pleiku đến các trạm 220 kV, 110 kV. Nguồn cấp điện cho tỉnh được cấp từ trạm 220 kV Quy Nhơn, thủy điện Vĩnh Sơn (66 MW, thông qua 2 tuyến 110 kV Vĩnh Sơn - Quy Nhơn và Vĩnh Sơn - Hoài Nhơn), thuỷ điện Định Bình (6,6 MW, cấp trung gian sau trạm 110 kV Đồng Phó), thủy điện Tiên Thuận và Văn Phong. Trạm 220 kV Quy Nhơn được cấp nguồn từ 2 đường dây 220 kV Pleiku - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Tuy Hoà cấp điện ổn định cho tỉnh.
Hệ thống lưới điện thành phố, thị xã có 10 trạm 110 kV/14 máy/395 MVA. Lưới điện trung áp bao gồm các cấp điện áp 35, 22 kV đã được phát triển với mật độ phù hợp nhằm giảm bớt tổn thất điện năng. Toàn tỉnh có 5.196 km đường dây Trung áp, 18 km cáp ngầm 22 kV, 2.539 km đường dây hạ áp, 2.923 trạm phân phối/ 491.513 kVA, 2 trạm trung gian, 9 trạm cắt 35 kV và 22 kV.
Về hệ thống lưới điện nông thôn: Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 1.206 km đường dây điện trung áp, 957 trạm biến áp phân phối điện, với tổng công suất 125.554 kVA; 2.555 km đường dây diện hạ áp.
Công ty Điện lực Bình Định quản lý lưới điện từ cấp 35 kV, 22 kV trở xuống. Chi nhánh Điện cao thế Bình Định quản lý lưới điện cao áp 110 kV. Chi nhánh Truyền tải điện Bình Định quản lý lưới điện cao áp 220 kV.
Hệ thống lưới điện thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đảm bảo an toàn, đảm bảo nguồn điện phục vụ đời sống và sản xuất nhân dân.


7. Hệ thống nước sinh hoạt

Đến năm 2013 toàn tỉnh đã xây dựng được 139 công trình cấp nước tập trung, bao gồm: nhà máy cấp nước sạch cho thành phố Quy Nhơn; 12 công trình cấp nước sinh hoạt cho các cụm dân cư thị trấn, thị tứ và 126 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Nhà máy nước Quy Nhơn có công suất 54.300 m3/ngày đêm hiện đang cấp nước cho 349.391 người. Tổng công suất thiết kế của 138 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là 44.920 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho 403.907 người dân nông thôn. Các hộ gia đình đầu tư xây dựng 56.129 giếng khoan, 165.161 giếng đào và bể chứa nước gia đình, tự cấp nước sinh hoạt 803.240 nhân khẩu. Tính đến hết năm 2013, số nhân khẩu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 1.390.751 người, đạt tỷ lệ 92,6% dân số toàn tỉnh (trong đó cấp nước sinh hoạt nông thôn 1.041.360 người dân đạt 89,3%, riêng thành phố Quy Nhơn tỷ lệ cấp nước đạt 96,07%).
Công trình cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là hình thức lấy nước tự chảy bằng đập dâng, hệ thống đường ống dẫn đến bể chứa nước hoặc vòi công cộng, không thu tiền sử dụng nước. Các hệ thống cấp nước vùng đồng bằng cấp đến hộ gia đình có đồng hồ đo nước và thu phí sử dụng nước.


8. Hệ thống thông tin cảnh báo

Mạng lưới trạm KTTV cơ bản tỉnh Bình Định hiện gồm có 7 Trạm KTTV bao gồm: An Hòa (trạm Thủy văn cấp 1), Quy Nhơn, Hoài Nhơn (trạm Khí tượng cấp 1), Vĩnh Sơn, Bình Nghi (trạm Thủy văn cấp 3), An Nhơn (trạm Khí tượng nông nghiệp cấp 3) và trạm Hải văn Môi trường Quy Nhơn (cấp 3)
Các trạm đo mưa: Trạm thủy văn Bồng Sơn, 8 trạm đo Hoài Ân, Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Đề Gi, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Ngoài ra còn có 45 trạm đo mưa nhân dân, 600 điểm gắn vết lũ trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh.
Trạm đo mưa tự động có 5 trạm gồm Cát Lâm, Cát Tiến, Tây Thuận, Bình Thành, Nhơn Tân. Ngoài ra, đang xúc tiến triển khai lắp đặt các trạm đo mực nước tự động tại Canh Vinh, Vân Canh (Hà Thanh), Bình Nghi, An Thái và Vĩnh Quang (sông Kôn) phục vụ cảnh báo lũ sớm trong lưu vực.


9. Hệ thống thông tin liên lạc

Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ, hệ thống điện thoại cố định, hệ thống điện thoại di động của các mạng, hệ thống máy thông tin di động sóng ngắn, hệ thống thông tin chuyên dùng Inmarsat có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc. Đến nay đã có khoảng 90% tổng số xã có điểm bưu điện - văn hoá, tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 55 - 60 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 6 - 8 thuê bao/100 dân, trong đó số thuê bao Internet băng rộng chiếm khoảng 80%, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25 - 30 % dân số.

10. Các cơ sở tôn giáo

Toàn tỉnh hiện có trên 283 chùa, 21 Tịnh xá, 6 Tịnh thất, 30 Niệm Phật đường. Chăm lo lễ Phật nơi chùa chiền, tịnh xá, tịnh thất có hơn 1.000 tăng ni cùng đông đảo tín đồ Phật tử.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hệ thống chùa, tịnh xá, tịnh thất những năm gần đây được trùng tu, xây cất kiên cố. Nơi đây không chỉ là nơi tưởng niệm Phật tổ mà còn nơi trú tránh gió bão, lũ lụt của nhân dân.


11. Khu neo đậu tàu thuyền

Toàn tỉnh có 6.800 tàu thuyền và 42.000 ngư dân, hoạt động ở ngư trường phía Nam 2.900 tàu; đánh bắt xa bờ 2.200 tàu. Tàu thuyền đa số là tàu vỏ gỗ, máy nổ và phương tiện cũ kỹ. Khi xuất hiện bão, gió mạnh trên Biển Đông là có nguy cơ đối với tàu thuyền. Toàn tỉnh có 3 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Cảng Tam Quan sức chứa 1.400 tàu, đầm Đề Gi 1.500 tàu, cảng Quy Nhơn 2.500 tàu. Các bến bãi, khu neo đậu chưa được đầu tư, nâng cấp thường xảy ra sự cố vỡ và chìm tàu. Cửa biển Tam Quan, Đề Gi bị bồi lấp, luồng lạch không ổn định gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào.

12. Vùng có nguy cơ
.
Các huyện miền núi An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh có tổng diện tích tự nhiên 296.000 ha chiếm 49% đất tự nhiên toàn tỉnh; đa số diện tích là đồi núi. Dân số 162.500  người chiếm 11 % dân số cả tỉnh. Trong các đợt mưa lũ hàng năm mức độ thiệt hại so với các vùng khác ít hơn vì cơ sở hạ tầng ít, mật độ dân số thưa thớt, nhà ở đơn sơ; Tuy nhiên hậu quả đối với đời sống người dân ở vùng này lại nặng nề hơn vì khả năng cứu trợ và  khắc phục hậu quả khó khăn.
Các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn có tổng diện tích tự nhiên 309.000 ha chiếm 51% đất tự nhiên, dân số 1.352.00 người chiếm 89,3% dân số. Trong các đợt mưa lũ hàng năm mức độ thiệt hại so với vùng núi thường trầm trọng hơn. Đây là nơi tập trung các khu dân cư, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, du lịch, công nghiệp, các đầu mối giao thông và toàn bộ vùng đồng bằng trù phú của tỉnh.


IV. Năng lực phòng chống thiên tai
1. Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thành lập ngày 02/10/2014 theo Luật Phòng chống thiên tai và được kiện toàn tháng 5/2015, tham mưu UBND tỉnh quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy, điều hành trên phạm vi toàn tỉnh. UBND các địa phương thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN cuối năm 2014 và kiện toàn trong năm 2015 để chỉ huy, điều hành công tác PCTT và TKCN trên địa bàn quản lý. Các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, triển khai công tác PCTT và TKCN ở đơn vị mình.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh là lực lượng chủ yếu trong công tác PCTT và TKCN trong tỉnh. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hằng năm có kế hoạch hiệp đồng các đơn vị chủ lực của Quân khu, các đơn vị của Bộ đóng trên địa bàn, tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công khu vực thực hiện nhiệm vụ TKCN theo kế hoạch thống nhất của địa phương. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh hàng năm có kế hoạch tập huấn, diễn tập PCTT và TKCN nhằm rèn luyện kỹ năng cán bộ, chiến sĩ trong vận hành trang thiết bị TKCN, tăng cường khả năng ứng cứu trong bão, lũ.
Các sở, ban, ngành, hội đoàn thể xây dựng tổ, đội xung kích PCTT và TKCN, sẵn sàng tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc đơn vị mình và chi viện cho các địa phương. Đây cũng là một lực lượng có chuyên môn, có kiến thức, nếu trang bị về phương tiện, điều kiện làm việc đầy đủ, sẽ góp phần đáng kể giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
UBND các địa phương huy động lực lượng trên địa bàn. Ở huyện, huy động lực lượng công an, bộ đội, cán bộ các cơ quan và đoàn viên thanh niên. Ở xã, huy động lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên, tổ đội của các hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ. Các đội xung kích ở cấp xã, phường có 30 - 40 người là lực lượng thường trực trong công tác PCTT và TKCN. Ngoài ra, UBND các địa phương còn huy động nhân lực, phương tiện của các doanh nghiệp trên địa bàn.


2. Năng lực cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai

Toàn tỉnh có 161 hồ chứa nước cùng với hệ thống đập dâng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông lâm nghiệp, tưới ổn định cho 77% diện tích đất canh tác. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn điều tiết một phần lớn dung tích lũ, giảm và chậm lũ cho vùng hạ du. Thực hiện vận hành điều tiết các hồ chứa lưu vực sông Kôn – Hà Thanh theo quy trình vận hành liên hồ của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du, đảm bảo hiệu quả cấp nước và phát điện. UBND các địa phương tổ chức vận hành điều tiết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn theo phương án hàng năm, góp phần giảm lũ trong khu vực.
Hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ tuyến Quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn, đến cả vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Với mật độ phân bố 0,87 km/km2 nếu triển khai công tác chuẩn bị PCTT và TKCN chu đáo về giao thông thì công tác ứng phó, cứu nạn sẽ kịp thời giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Về nhà ở, hiện có 246.270 nhà kiên cố chỉ đảm bảo cho khoảng 1.231.000 người dân trú tránh bão, lũ an toàn. Còn lại 283.000 người dân phải di dời trú tránh gió bão cấp 9 – 10. Nơi trú tránh an toàn là trụ sở UBND các xã, thị trấn huyện, thị xã, các cơ quan nhà nước, trường học, cơ sở y tế, chùa chiền. Ngoài ra còn có 15 khu tái định cư, Hoài Hải, Hoài Hương huyện Hoài Nhơn, Ân Tín, Ân Thạnh huyện Hoài Ân, An Trung huyện An Lão, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Đức huyện Phù Mỹ, Cát Tiến, Cát Nhơn huyện Phù Cát, Phước Thuận huyện Tuy Phước, Canh Liên huyện Vân Canh và Nhơn Hải thành phố Quy Nhơn.
Với hệ thống cung cấp nước sạch hiện có của tỉnh, bảo đảm cấp nước cho 1.390.751 người dân, đạt tỷ lệ 92,6% dân số toàn tỉnh. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, UBND các huyện, thành phố cần đảm bảo an toàn công trình cấp nước, các tuyến ống cấp nước, các giếng khoan khai thác nước ngầm khi mưa bão, lũ lụt.


3. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hàng hóa
, thuốc dự trữ 
Phương tiện chủ yếu ca nô, xuồng, nhà bạt, phao tròn, phao áo, phao bè cứu sinh. Ca nô, nhà bạt do Ban chỉ huy PCLB và TKCN cấp tỉnh, cấp huyện quản lý được kiểm tra, bảo dưỡng. Xuồng, phao tròn, phao áo và phao bè được trang bị cho các đội xung kích phường, xã, đơn vị.
Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu về số lượng, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Tàu của bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư không thể hoạt động trên biển khi sóng gió lớn hơn cấp 5. Ca nô, xuồng máy cũ không đủ công suất chạy ngược dòng nước lũ. Phương tiện, trang thiết bị TKCN chủ yếu của tỉnh hiện có:
Về tàu thuyền có 2 tàu vỏ sắt, 2 tàu vỏ gỗ, 1 tàu kiểm ngư; 90 ca nô, thuyền máy các loại; 451 ghe xuồng nhỏ.
Về xe có 7 xe cẩu, 22 xe tải, 34 xe con và xe bán tải.
Thiết bị khác, có 96 máy phát điện, 64 máy bơm, 583 bộ nhà bạt, 123 phao bè, 12.636 áo phao, 8.702 phao tròn cứu sinh.
Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh hàng năm lập kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để ứng phó thiên tai. Một số lượng lớn gạo, mì gói, nước uống và các hàng hóa, nhiên liệu được dự trữ trước mùa mưa bão với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Sở Y tế tổ chức dự trữ hàng trăm cơ số thuốc PCLB, hàng tấn Cloramin B bột,  hàng triệu viên Cloramin B, viên khử khuẩn Aqutabs trước mùa mưa bão.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị sẵn một lượng hàng tiêu dùng thiết yếu để cung cấp khi cần thiết; vận động các hộ dân nơi thường bị cô lập do mưa lũ dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng trong 7 ngày.


4. Nguồn lực tài chính dự phòng

- Ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều có quỹ dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Hàng năm UBND tỉnh trích nguồn dự phòng để mua sắm vật tư PCTT, khắc phục sự cố khẩn cấp các công trình, hậu quả thiên tai.
- Ngân sách các sở ngành, đơn vị, địa phương đầu tư, trang bị những điều kiện thiết yếu phục vụ công tác thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.
- Huy động nguồn lực khác: Kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai.


5. Hệ thống chỉ huy PCTT và TKCN các cấp
và phân công nhiệm vụ
Hệ thống Ban chỉ huy PCTT và TKCN xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN của đơn vị mình.
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban PCTT và TKCN tỉnh. Trong đó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phụ trách chung, trực tiếp chỉ huy công tác PCTT và TKCN trong tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó Trưởng ban thường trực giúp Trưởng ban giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách về PCTT và TKCN. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh kiêm Phó trưởng ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn người, cứu hộ công trình và các phương tiện gặp sự cố do thiên tai trên đất liền. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai, tổ chức công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chi tiết theo phụ lục 3
.

V. Nhận định về nguy cơ những loại hình thiên tai có thể xảy ra

Theo Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện nay biến đổi khí hậu dẫn tới những thay đổi trong tần suất, cường độ, phạm vi không gian, thời đoạn và thời gian của các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan và có thể dẫn đến các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt chưa từng thấy.
Dự tính số lượng bão hoạt động ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam vào giữa cuối thế kỷ 21 có thể giảm về tần suất nhưng tăng về cường độ, gần như chắc chắn số lượng bão mạnh có xu thế tăng. Mùa bão kết thúc muộn hơn và đường đi của bão có xu thế dịch chuyển về phía Nam, tốc độ gió trong những cơn bão có thể tăng nhẹ.
Tần suất mưa lớn dự tính sẽ tăng trong thế kỷ 21 ở nhiều vùng của Việt Nam, mưa lớn sẽ tăng rủi ro sạt lở đất ở các khu vực miền núi. Sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ dự kiến có thể dẫn đến lũ lụt xuất hiện ngày một thường xuyên hơn, ác liệt hơn, bất thường hơn, gây tác động ngày càng rộng lớn hơn.
Số ngày và đợt nắng nóng dự tính có xu thế tăng dần trên hầu hết các khu vực, nhất là khu vực miền Trung. Các đợt hạn hán nặng đã và đang xuất hiện nhiều hơn ở nhiều nơi, đặc biệt là cực hạn trong đó tần suất hạn cao tập trung vào các tháng vụ Đông Xuân từ tháng 1 – 4 và vụ Hè Thu từ tháng 5 – 8.
Hiện tượng El Nino/ La Nina tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu Việt Nam. Theo diễn biến lịch ENSO trong 100 năm qua, tần suất và cường độ của El Nino và La Nina thể hiện xu thế tăng. Dự tính trong thế kỷ 21, tần suất hoạt động của dạng El Nino với dị thường nhiệt độ mặt nước biển dương trên khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương được nhận định có xu thế tăng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bình Định trong năm 2015, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông khả năng thấp hơn so với TBNN, khoảng 9 -10 cơn (TBNN khoảng 12 cơn) và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta cũng ở mức thấp hơn TBNN, khoảng 4 - 5 cơn (TBNN 5 – 6 cơn). Trong đó Bình Định chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp khoảng 1 – 2 cơn.
Mùa mưa năm 2015, tổng lượng mưa cả mùa khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN cùng kỳ, lượng mưa TBNN ở vùng đồng bằng phía Nam tỉnh từ 1.200 – 1.500mm, vùng núi và phía Bắc tỉnh từ 1.600 – 2.200mm. Các đợt mưa lớn diện rộng tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11.
Đỉnh lũ cao nhất trên các sông trong tỉnh khả năng ở mức báo động II - III, có nơi cao hơn báo động III; ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN.
Đỉnh lũ cao nhất năm trên các sông khả năng xuất hiện tháng 10, tháng 11.


Xem thêm ...

Tác giả bài viết: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định

Nguồn tin: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay6,717
  • Tháng hiện tại328,210
  • Tổng lượt truy cập17,034,535
global slide list video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây