Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn, năm 2021, dự báo hạn hán, mưa, bão, lũ sẽ xuất hiện cực đoan hơn. Trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 07-09 cơn bão/ATNĐ; trong đó, Bình Định chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1 đến 2 cơn bão; từ tháng 10 đến tháng 12, có khả năng xuất hiện từ 3-4 trận lũ, đặc biệt năm nay mùa mưa kết thúc muộn có khả năng xuất hiện lũ muộn, ảnh hưởng thời vụ Đông Xuân 2021-2022. Trước dự định này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã lên phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ huy cũng lên phương án sơ tán dân theo từng khu vực áp dụng theo các Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Đối với vùng thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính Phủ, sẽ tiến hành khoanh vùng theo cụm dân cư xét nghiệm nhanh, nếu có F0 thì chuyển đến khu cách ly tập trung. Ngoài các cơ sở công cộng, cho phép sử dụng khu cách ly phòng chống dịch hiện có để sơ tán dân trong thời gian bão, lũ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, cách làm hay, sáng tạo trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác kêu gọi tàu thuyền, ứng phó với sự cố và TKCN trên biển. Đồng thời phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là phương án di dời đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương cần tập trung đồng bộ, lấy phương châm phòng là chính. Các địa phương khẩn trương đánh giá công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cơ sở, phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch kịch bản theo phương châm “4 tại chỗ”, phải sát, cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng cấp độ. Tập trung vào phương án quản lý, di dời, tránh trú cho tàu bè; phương án di dân ở các xã ven biển, vùng có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét; công tác rà soát, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều; phương án cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tình huống, vừa khẩn trương vừa an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh với đặc thù của một tỉnh miền Trung, hàng năm Bình Định hứng chịu thiên tai, bão lũ vào cuối năm. Do đó, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải nâng cao năng lực, và chủ động hơn trong ứng phó, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trước hết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng và có kế hoạch bảo vệ các công trình trong thời điểm thiên tai xảy ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, ứng phó với thiên tai cho mỗi người dân, nhất là ở vùng nguy hiểm. Đặc biệt năm nay công tác phòng chống thiên tai sẽ hết sức khó khăn, khi mà tỉnh Bình Định đang căng mình phòng chống dịch Covid-19, do vậy, trong công tác phòng chống thiên tai cần chú trọng đến khâu phòng, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo tính mạng của người dân khi có thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng giao Sở Y tế xây dựng phương án hướng dẫn các địa phương phòng chống thiên tai gắn với phòng chống Covid-19. Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các khu cách ly để đưa người dân về tránh trú bão, đảm bảo khoảng cách, an toàn. Ban Quản lý cảng cá phối hợp với các địa phương lên phương án quản lý các tàu cá khi vào tránh trú bão. Bên cạnh trách nhiệm của ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai gắn với phòng chống dịch bệnh Covid 19, có như vậy mới giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới./.
Thùy Trang - Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bình ĐịnhNguồn tin: binhdinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn