Điểm cầu UBND tỉnh
Phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định được xây dựng dựa trên việc khảo sát, thu thập thông tin từ hơn 404,7 nghìn hộ/gần 1,5 triệu người để làm dữ liệu nền cho công tác phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở này, ngành chức năng xây dựng phần mềm theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, nguồn lực của từng địa phương, ban, ngành.
Tại buổi diễn tập, để ứng phó với tình huống giả định gió cấp 12 - 13 đổ bộ vào phía Nam tỉnh Bình Định, tâm bão đi qua TP.Quy Nhơn, kịch bản ứng phó với bão cấp độ rủi ro cấp 4 trên phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định đã được kích hoạt. Phần mềm đã trích xuất toàn bộ các dữ liệu minh họa cho kịch bản ứng phó như: vùng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão ở các địa phương; địa điểm sơ tán tập trung, số lượng người dân phải di dời; số lượng lương thực, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư cần chuẩn bị; lực lượng hỗ trợ sơ tán... Trên cơ sở đó, cán bộ cơ sở cập nhật thông tin hiện có về khả năng chuẩn bị của địa phương tới thời điểm hiện tại. Số liệu thực tế đã chuẩn bị ở địa phương được đối chiếu với số liệu của phần mềm, từ đó chỉ ra những nội dung cần bổ sung trong công tác ứng phó thiên tai. Các số liệu này được truyền về hệ thống máy chủ của Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh Bình Định, căn cứ vào cảnh báo đó, Ban chỉ huy điều phối nhân lực, vật lực, trang thiết bị phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn tối đa cho người và tài sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi diễn tập.
Phát biểu tại buổi diễn tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh với sự hỗ trợ của phần mềm Quản lý thiên tai, các địa phương sẽ chủ động hơn trong công tác dự báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để phát huy tối đa hiệu quả của phần mềm Quản lý thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Viễn thông Bình Định, Sở NN&PTNT tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định; tổ chức diễn tập vận hành Phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định theo từng kịch bản bằng hình thức kết nối trực tuyến từ UBND cấp huyện đến UBND cấp xã; hướng dẫn các cán bộ phụ trách lĩnh vực phòng chống thiên tai ở các địa phương sử dụng thành thạo các chức năng của phần mềm để triển khai thực hiện ngay trong mùa mưa bão sắp tới.
Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ giữa các số liệu cập nhật trên Phương án ứng phó thiên tai và phần mềm Quản lý thiên tai nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả từ cấp tỉnh tới cơ sở khi xảy ra các tình huống bão, lũ trên địa bàn tỉnh./.