Đầu tư lớn hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng:Nhiều chuyển biến trong dự báo, ứng phó thiên tai

Thứ năm - 02/12/2021 11:29
(Bình Định Online) Từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta đầu tư lớn cho hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai nhờ vậy công tác phòng chống thiên tai, bão lụt đã có chuyển biến rõ rệt.

Liên quan đến hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh hiện có: Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, với 1 trạm hải văn ở Quy Nhơn; 5 trạm thủy văn trên sông, 4 trạm quan trắc mực nước sông tự động; 26 trạm quan trắc lượng mưa tự động. Hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng chống thiên tai của tỉnh gồm: 34 trạm quan trắc mực nước sông tự động, 69 trạm quan trắc lượng mưa tự động.

Cùng với đó là hệ thống các trạm đo mưa tự động chuyên dùng của tỉnh, với các nhiệm vụ: Những trạm chuyên theo dõi mưa lũ được phân bố lắp đặt rải đều trên các lưu vực sông lớn, tại một số trụ sở UBND xã (chủ yếu ở vùng cao, thượng nguồn sông); để tầm soát giám sát, đảm bảo an toàn hồ chứa thì lắp đặt tại tuyến đập các hồ chứa nước lớn như: Định Bình, Núi Một... Tương tự, các trạm đo mực nước tự động được lắp đặt tại các hồ chứa nước, đập, lưu vực các sông: Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang và sông Côn.

 Trạm đo mực nước tự động lắp đặt tại bờ đập hồ Núi Một (TX An Nhơn). Ảnh chụp ngày 14.11.2021. Ảnh: HOÀI THU

Theo ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Phòng Phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi Bình Định), ưu điểm của các trạm đo mưa, mực nước sông tự động là chính xác, nhanh, liên tục (cập nhật liên tục 10 phút/lần), dữ liệu được truyền trực tuyến, hoặc qua sóng GSM về máy chủ tại Chi cục Thủy lợi, tại đây dữ liệu sẽ được phần mềm chuyên dùng tổng hợp, phân tích đánh giá đưa ra hướng xử lý để phục vụ công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo, điều hành.

Ông Nguyễn Tường Vĩ, phấn khởi: Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đầu tư bài bản cho hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng. Theo đó Chi cục Thủy lợi xây dựng module quản lý, tiếp nhận chung các nguồn dữ liệu từ rất nhiều trạm quan trắc đo lượng mưa, mực nước sông tự động chuyển về máy chủ. Từ cuối năm 2019, chúng tôi từng bước hoàn thiện phần mềm nhận dữ liệu quan trắc về mưa, mực nước trên sông, hồ và sử dụng thuật toán để phân tích, dự báo đồng thời cập nhật lên website - https://quantrac.pcttbinhdinh.gov.vn. Nhờ hệ thống này việc dự báo, cảnh báo ngày càng tốt hơn, cơ sở để tham mưu ngày càng khoa học và toàn diện hơn.

Không chỉ sử dụng dữ liệu tự mình thu thập, tham khảo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, những cán bộ quản trị hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh còn đối chiếu, so sánh phần liên quan đến khu vực tỉnh Bình Định từ nhiều nguồn dự báo thời tiết khác trên thế giới và chủ yếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Nhật, Mỹ, Australia ... Căn cứ vào thông tin, cơ sở dữ liệu lưu trữ liên tục nhiều năm với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng sẽ phân tích đưa ra cảnh báo.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn & Phòng thủ dân sự tỉnh, Tổ trưởng Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, từ việc nắm bắt nhanh lượng mưa thực tế thì mới có thể tính toán sớm được lưu lượng lũ, căn cứ vào các khu vực có hồ chứa nước vận hành góp phần điều tiết lũ, hoặc không có hồ chứa nước thực hiện điều này để cảnh báo sớm lũ lụt.

“Qua đợt hai đợt mưa lớn, lũ lụt vừa rồi tiếp tục cho thấy có thể cảnh báo tương đối đúng trước khoảng 5 - 7 giờ, qua đó thêm chủ động phòng, tránh, hạn chế thiệt hại. Dài hơi hơn, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng từng kịch bản dự báo ứng phó lũ lụt, chẳng hạn lượng mưa ở các khu vực Vân Canh bao nhiêu thì trong thời gian cụ thể nước lũ xuống khu vực hạ lưu sông Hà Thanh ở Diêu Trì, gây ngập lụt mức độ như thế nào ở vùng Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn)... Hy vọng việc phát triển các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) ở Quy Nhơn, những năm tới có thể ứng dụng AI để góp phần hỗ trợ công tác tính toán nhanh hơn, chính xác hơn theo diễn biến thực tế để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống lũ lụt trên địa bàn tỉnh”, ông Chương chia sẻ.

HOÀI THU (Báo Bình Định)

Nguồn tin: baobinhdinh.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay15,223
  • Tháng hiện tại500,660
  • Tổng lượt truy cập17,206,985
global slide list video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây