Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định

https://pcttbinhdinh.gov.vn


Nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai

Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 được phát động nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022

Ngày 13/5, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 (từ ngày 15 - 22/5) là 'Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai'.

Mục tiêu của chủ đề này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân tại cơ sở.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã và sẽ triển khai chuỗi hoạt động như: Lễ công bố đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (đã tổ chức ngày 11/5); Lễ trao giải cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ hai” (dự kiến ngày 25/5 tại Hà Nội); khánh thành thư viện tài liệu về công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức truyền tải thông điệp truyền thông và tuyên truyền trên các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội kèm một số tài liệu tuyên truyền.

Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 (từ ngày 15 - 22/5) với chủ đề "Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai".

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi lễ hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 16/5.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai hàng năm từ ngày 15 - 22/5, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, Chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PHÒNG, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai và sự Phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực cho biết, năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2022, thiên tai đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 - 24.2.2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C.

Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30.3-2.4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (T.T.Huế) 835mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ). Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỉ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Cùng với đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá… trên phạm vi toàn quốc.

Có thể thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và dự báo thiên tai ngày càng gia tăng và có xu hướng cực đoan hơn ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Hậu quả của nó đối với Việt Nam rất nghiêm trọng và là mối nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường. Do đó, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cần phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.

“Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ, và nguồn lực đầu tư lớn. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của khí hậu, việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ, mở rộng hợp tác quốc tế là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tang-cuong-nang-cao-nang-luc-cong-dong-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-67039.html

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây