Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định

https://pcttbinhdinh.gov.vn


Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2024. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các huyện, thị xã, thành phố.

 

Điểm cầu Chính phủ

Trong năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai cực đoan với 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Đáng chú ý, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã làm 1.129 người chết, mất tích, nhiều tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển… Thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Theo đánh giá của hội nghị, với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác PCTT&TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện. Trong đó, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác PCTT&TKCN như: vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; việc thành lập đội xung kích PCTT cấp xã có nơi còn hình thức; công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan còn chưa được kịp thời, đầy đủ; nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu...

Điểm cầu Bình Định

Năm 2023, tỉnh Bình Định chịu ảnh hưởng chủ yếu của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh; mưa lớn và lũ lụt. Trong đó, mưa lũ đã làm sạt lở, hư hỏng nặng đê kè và đường giao thông, thiệt hại ước tính khoảng 252,30 tỷ đồng. Trong năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã chỉ huy, điều hành các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về ứng phó với bão, mưa lớn, lũ lụt. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp được kiện toàn và nâng cao năng lực. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng, chống thiên tai được quan tâm thực hiện. Ngoài ra, các cấp cũng chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội xung kích PCTT cấp xã. Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng, chống thiên tai khác được đặc biệt chú ý. Đối với công tác ứng phó với thiên tai, cơ quan chức năng đã kịp thời thông tin, truyền tải các bản tin cảnh báo, dự báo đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh, đặc biệt là hiện trạng tiếp nhận thông tin thiên tai của cơ sở, cộng đồng. Các đoàn công tác do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh là Trưởng đoàn kiểm tra các vị trí xung yếu và chỉ đạo cụ thể công tác ứng phó với mưa lũ. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với gia đình chủ tàu thuyền thông báo cho thuyền trưởng biết diễn biến mưa lớn, gió mạnh trên biển để chủ động di chuyển tàu thuyền về nơi trú, tránh… Sau khi thiên tai xảy ra, các hoạt động khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của người dân.

Năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh tập trung tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, cấp huyện, cấp xã khi có hướng dẫn của Trung ương. Tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó các loại hình thiên tai bằng nhiều hình thức. Xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng, phương án ứng phó với lũ lụt cấp tỉnh bao gồm các kịch bản. Huy động nguồn lực, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực chỉ huy, điều hành; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng PCTT cho cộng đồng. Tổ chức đầu tư, xây dựng công trình PCTT theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2023...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT&TKCN từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành có liên quan của Trung ương và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT&TKCN.

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT&TKCN và phòng thủ dân sự; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão; nâng cao chất lượng dự báo, năng lực điều hành của từng địa phương; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác PCTT.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác dự báo, hỗ trợ PCTT&TKCN./.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây