Báo cáo tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và TKCN năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tỉnh Bình Định

Thứ tư - 16/05/2018 10:48
PHẦN I
TỔNG KẾT CÔNG TÁC PCTT VÀ TKCN NĂM 2017

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
Năm 2017 thời tiết và thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 2 có mưa lớn diện rộng, xảy ra ngập, úng. Trên biển 16 cơn bão, nhiều đợt không khí lạnh, gió mạnh ảnh hưởng đến tàu thuyền và ngư dân. Bão số 12, số 14, số 16 và mưa lũ lớn tháng 11, 12 đã gây nhiều thiệt hại trong tỉnh.

- Ngập úng: Mưa lớn đã gây ngập, úng 1.692 ha lúa vụ Đông - Xuân vùng hạ lưu sông Kôn.  

- Bão và không khí lạnh:  Bão số 12 ảnh hưởng trực tiếp tới Bình Định từ đêm ngày 3/11 gây gió mạnh cấp 10, giật cấp 11 làm sập nhà cửa, ngã đổ trụ điện, cây cối tại TP Quy Nhơn và các huyện, thị xã. 

Bão và không khí lạnh đã làm 5 thuyền viên chết, 18 thuyền viên mất tích, gây ra 59 vụ/444 người về sự cố tàu thuyền. Trong đó 9 tàu chìm/66 thuyền viên được cứu vớt; 6 tàu bị nạn/53 thuyền viên được tàu SAR và bộ đội Biên phòng tỉnh lai dắt; 44 tàu bị nạn/301 thuyền viên được các tàu bạn hỗ trợ về bờ;

Bão số 12 làm 08 tàu hàng/84 thủy thủ tránh bão tại vùng biển Quy Nhơn bị chìm, 2 tàu hàng/24 thủy thủ bị mắc cạn. Đã cứu được 71 thủy thủ, tìm thấy 11 thi thể, còn 2 thủy thủ mất tích.

- Mưa lũ: Sau bão số 12 mưa to đến rất to, tập trung phía Nam tỉnh, lượng mưa trung bình 219 mm. Hoàn lưu bão số 14 gây mưa lớn, lượng mưa trung bình 370 mm vào tuần đầu tháng 12/2017.

Trên các sông đã có 3 đợt lũ liên tiếp, mức báo động III và trên BĐIII; Mưa lớn đã gây ngập lụt, chia cắt 62 xã, phường. Hệ thống kênh mương, đê điều sạt lở; quốc lộ 1A, 19 ngập nhiều đoạn, ách tắc giao thông.

Bão và mưa lũ làm 33 người chết, mất tích; 1.146 nhà sập, hư hỏng; 1.429 ha lúa, 897 ha hoa màu ngập nước, 1.506 ha rừng trồng ngã đổ, 180 ha ruộng sa bồi thủy phá; 24 tàu cá chìm, 27 ha nuôi tôm bị trôi; cơ sở hạ tầng nhà cửa, trường học, bệnh viện, giao thông, thủy lợi, điện thiệt hại nặng nề.

Thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra 1.154 tỷ đồng.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ THIÊN TAI
1. UBND tỉnh ban hành:
- Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 23/3/2017 về công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

- Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 17/2/2017 kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định của Luật;

- Các văn bản triển khai Luật Phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các địa phương, sở ngành kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, chuẩn bị phương tiện, vật tư, hậu cần đối phó với mưa bão.

Tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 vào ngày 09/5/2017.

Các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN và phân công nhiệm vụ từng thành viên trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, các đơn vị triển khai công tác PCTT và TKCN.

2. Kết quả triển khai:
Các sở, ngành, địa phương đã tích cực chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần và chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa bão, lũ, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản nhân dân. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Triển khai 6.701 lượt chiến sĩ, 61 phương tiện giúp dân chằng chống nhà cửa, ứng cứu di dời người dân ngập lũ; bố trí 78 chiến sĩ tham gia cứu nạn thuyền viên tại vùng biển Quy Nhơn; phối hợp với 756 lượt cán bộ, chiến sĩ của Quân khu sửa chữa nhà cửa, thu dọn sa bồi thủy phá, hàn khẩu đê điều sau mưa lũ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp 3.672 tàu thuyền/22.030 ngư dân trú, tránh bão tại các bến. Huy động 347 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện cứu nạn thuyền viên tại vùng biển Quy Nhơn vào đêm ngày 03/11; trực tiếp ứng cứu 38/43 thuyền viên bị nạn, đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ tàu hàng bị chìm, mắc cạn; giám sát việc trục vớt hàng hóa và hút dầu các tàu chìm không để xảy ra sự cố tràn dầu.

Công an tỉnh: Huy động hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm giao thông nguy hiểm, phối hợp với bộ đội, cán bộ địa phương di dời, ứng cứu 940 hộ/3.440 người dân bị ngập lụt; khắc phục khẩn cấp sạt lở hồ đập, đường giao thông trong tỉnh. 

Điều động 190 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu nạn thuyền viên tàu hàng bị chìm; tổ chức khám nghiệm, nhận dạng 11 tử thi trước khi bàn giao cho người thân; hướng dẫn thủ tục tạm trú và bàn giao an toàn 15 thủy thủ người nước ngoài bị nạn.

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh: Huy động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện chuyên dùng tìm kiếm thủy thủ bị mất tích do chìm tàu, lai dắt tàu hàng bị nạn và sơ tán dân vùng ngập lũ. Phối hợp bộ đội Biên phòng tỉnh tìm vớt 11 thi thể thuyền viên, lai dắt 2 tàu hàng vào cảng và di dời hơn 3.000 dân. Điều động 20 chiến sĩ chống sạt lở khẩn cấp hồ Mỹ Đức, Hoài Ân. Sau bão, lũ huy động 300 lượt đoàn viên, chiến sĩ giúp dân sửa chữa nhà cửa, nạo vét kênh mương, hàn khẩu đê điều khôi phục sản xuất.

Sở Nông nghiệp và PTNT: Đã rà soát, tổ chức được 683 tổ đoàn kết trên biển với 2.942 tàu, lắp đặt máy định vị vệ tinh cho 2.810/3.710 tàu đánh bắt xa bờ.

Tập huấn về PCTT cho 1.220 người dân, 560  giáo viên, 11.650 học sinh; Đào tạo 68 cán bộ cấp huyện về công tác PCTT; truyền thông tuyên truyền PCTT tại 10 xã huyện An Nhơn và Tuy Phước; tổ chức 10 cuộc diễn tập 2.300 người tham gia. Trực tiếp hướng dẫn lập Kế hoạch PCTT tại 6 xã; cập nhật, bổ sung kế hoạch của 4 xã; Triển khai thi công 11 nhà PCTT; phối hợp với một số cơ quan triển khai hoạt động nâng cao năng lực PCTT.

Triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ chứa tại Công ty Thủy nông và các địa phương; vận hành, điều tiết hồ chứa theo quy trình trong các đợt mưa lũ lớn. Toàn bộ 165 hồ chứa nước trong tỉnh đều an toàn.

Hướng dẫn các địa phương hàn khẩu 11/15 km đê, kè; nạo vét 20/38,5 km kênh mương; thu dọn sa bồi thủy phá 129/180 ha; hỗ trợ 24 gia đình ngư dân có tàu cá bị chìm.

Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong công tác phân phối gạo cứu đói; Hội Chữ thập đỏ tỉnh phân phối hàng viện trợ khẩn cấp; đề xuất phân bổ kinh phí viện trợ của Cộng hòa Liên bang Nga khắc phục hậu quả thiên tai.

Sở Giao thông Vận  tải: Đã khẩn trương sửa chữa, nâng cấp đường bộ; lập phương án đảm bảo an toàn giao thông trước 31/8/2017. Phối hợp  với lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương chốt chặn các điểm giao thông ngập sâu, cầu sập nguy hiểm, không cho người và phương tiện qua lại.

Triển khai khôi phục nhanh các tuyến đường quốc lộ, 12 tuyến tỉnh lộ đảm bảo giao thông bước 1; phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục tạm các cầu, cống bị hư hỏng, các điểm sạt lở khôi phục giao thông nông thôn. Triển khai lập dự án tu bổ, nâng cấp các tuyến đường trong năm 2018.

Sở Thông tin và Truyền thông: Tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thông tin; diễn tập phương án bảo đảm thông tin liên lạc. Khôi phục 26 cột bê tông, 40 km cáp và các trang thiết bị, máy móc hư hỏng. Khôi phục hệ thống nguồn điện, chống sét, nhà trạm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Sở Y tế: Tổ chức các đội cấp cứu y tế khám chữa bệnh cho dân, vệ sinh môi trường. Xử lý 16.500 giếng nước bị ô nhiễm, cấp phát 122 cơ số thuốc PCLB, 6.000 gói ORS, 2,2 tấn Cloramin B bột, 0,68 triệu viên Cloramin B, 0,089 triệu viên khử khuẩn cho nhân dân.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai phương án phòng tránh mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học; bảo vệ sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học.

Tổ chức thu dọn vệ sinh, sửa chữa 53 trường học bị ngập; điều chuyển và mua sắm bàn ghế, trang thiết bị hư hỏng; tổ chức dạy bù cho học sinh.

Sở Lao động- Thương binh và  Xã hội: Tổ chức kiểm tra, rà soát hộ gia đình nghèo, neo đơn, khuyết tật và lập phương án cứu trợ. Tổ chức cấp phát 3.125 tấn gạo cứu trợ; đề xuất hỗ trợ kinh phí cho 219 hộ/1.146 hộ dân có nhà bị sập, hư hỏng để xây cất.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Đã tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ hơn 63,5 tỷ đồng ổn định cuộc sống 16.590 hộ dân. Tiếp nhận và phân phát hàng cứu trợ của Trung tâm AHA, Tổ chức Samaritans Purse (Mỹ), Chính phủ Trung Quốc, New Zealand giá trị hơn 14,37 tỷ cho 10.800 hộ dân.

Các địa phương:
- Đẩy mạnh công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; Xây dựng và triển khai phương án PCTT và TKCN năm 2017.

- Củng cố lực lượng xung kích, nòng cốt là dân quân tự vệ và Đoàn thanh niên. Tích cực chuẩn bị vật tư, phương tiện PCLB trong từng đơn vị và cơ sở. Dự trữ lương thực, nước uống và thuốc phòng bệnh tại cấp xã và trong nhân dân.

- Khi mưa lũ, đã chủ động triển khai lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ thực hiện biện pháp phòng tránh, ứng phó. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy ứng cứu sơ tán kịp thời nhân dân ngập lũ.

- Sau mưa lũ đã chủ động tổ chức ngay công tác khắc phục hậu quả. Thu dọn nhà cửa sập đổ, bố trí chỗ ở tạm, cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho dân. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị vệ sinh môi trường, khắc phục sa bồi thủy phá, hàn khẩu đê điều. Tổng hợp báo cáo thiệt hại, các nhu cầu thiết yếu về UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. 

III. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC PCTT VÀ TKCN NĂM 2017
1. Ưu điểm:
- Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kịp thời công tác ứng phó thiên tai.

- Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác chuẩn bị và ứng phó với bão số 12 và mưa lũ; huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho công tác ứng phó.

- Lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp đã chỉ đạo kịp thời công tác PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương, sở ngành đã xây dựng phương án PCTT và TKCN chi tiết làm cơ sở triển khai đối phó.

- UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty Khai thác CTTL tỉnh, các địa phương sửa chữa các hư hỏng, triển khai phương án PCLB bảo đảm an toàn hồ chứa; vận hành điều tiết các hồ chứa theo quy trình và sát với diễn biến bão, mưa lũ. Việc vận hành các hồ chứa lớn qua 3 đợt lũ đảm bảo an toàn, góp phần giảm lũ hạ du.

- Lực lượng vũ trang tỉnh, các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã huy động cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, sơ tán dân vùng ảnh hưởng; tham gia khắc phục hậu quả sau bão, lũ.
- Các sở Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài chính, Lao động-Thương binh và xã hội, Đài Phát Thanh truyền hình, và các sở ngành có liên quan đã phối hợp với địa phương tổ chức ứng phó, ứng cứu nhân dân bị ảnh hưởng; triển khai kịp thời công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
- Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân dũng cảm ứng cứu người bị nạn do bão, người dân bị ngập lũ. Nhiều tấm gương lao động xuất sắc trong khắc phục hậu quả bão, lũ. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có quyết định khen thưởng 1 tập thể và 2 cá nhân; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có quyết định tặng bằng khen 2 tập thể và 3 cá nhân. UBND tỉnh đã có quyết định khen thưởng đột xuất cho tập thể, chiến sĩ bộ đội Biên phòng tỉnh; tặng bằng khen cho 7 tập thể và 8 cá nhân.

2. Tồn tại:
Mặc dù công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của các cơ quan phòng, chống thiên tai còn thiếu; lực lượng làm công tác tham mưu các cấp chưa chuyên nghiệp; xử lý nhiều tình huống thiên tai còn lúng túng.

- Thiệt hại về người vẫn còn rất cao 33 người chết, nhiều trường hợp chết do bất cẩn, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai.

- Ô nhiễm môi trường sau thiên tai do gia súc, gia cầm chết bị thả trôi, chưa có biện pháp thu gom kịp thời.

- Nguồn lực hỗ trợ cho công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn rất hạn chế, nhất là hỗ trợ nhà dân bị sập và hư hỏng, công trình cấp nước sạch, điện lưới, giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại.

- Tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm ở một số địa phương còn chưa được bài bản, kịp thời và chưa hợp lý, có nơi nhiều, nơi ít.

- Người dân vùng sâu, vùng xa chưa được nhận thông tin đầy đủ về diễn biến thiên tai; phương châm “bốn tại chỗ” nhiều nơi chuẩn bị còn mang tính hình thức.

- Trang thiết bị cứu hộ cứu nạn còn thiếu, một số nơi còn chưa phù hợp, cần được tăng cường, bổ sung.

- Lồng ghép phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức và chưa có quy định đủ mạnh để giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Hiện nay, số lượng công trình, dự án làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng nhiều; hệ thống đường giao thông, các khu công nghiệp, đô thị mới...lấn chiếm gây cản trở thoát lũ.

- Việc quản lý tầu thuyền, ngư dân ở các bến, khu neo đậu còn chưa chặt chẽ. Thông tin kêu gọi tàu thuyền vào bờ còn chưa đồng bộ, sự phối hợp với ngư dân chưa sâu sát dẫn đến thiệt hại về thuyền viên và tàu thuyền còn nhiều.

3. Bài học kinh nghiệm:
Từ thực tiễn công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là trong ứng phó với bão, mưa lũ lớn vừa qua, rút ra những bài học kinh nghiệm để phòng chống thiên tai ngày càng hiệu quả hơn, cụ thể:

- Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở là chính. Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.

- Phòng chống thiên tai cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đối với tình huống thiên tai khẩn cấp.

- Nắm chắc diễn biến, có kinh nghiệm, bình tĩnh ứng phó kịp thời, chính xác và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế từng địa phương, từng tình huống sẽ giảm thiểu thiệt hại.

- Kỹ năng phòng, chống thiên tai và công tác chuẩn bị tốt theo phương châm “bốn tại chỗ” tại cộng đồng là rất quan trọng sẽ hạn chế thiệt hại người và tài sản.

- Công tác dự báo kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin sâu rộng đến các cơ quan chức năng, người dân nhất là ở thôn, xã, vùng sâu, vùng xa và ngư dân trên biển sẽ chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

- Cần xây dựng lực lượng chuyên nghiệp trong hoạt động PCTT và TKCN để ngoài việc đáp ứng các nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả sẽ còn hạn chế lực lượng cần huy động và giảm kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai.

- Quan tâm lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng,... sẽ làm giảm nguy cơ rủi ro thiên tai trong tỉnh và các hoạt động này.

- Lực lượng ứng phó và trang thiết bị TKCN cần được bố trí sẵn sàng tại các khu vực trọng điểm cảng biển, cầu, tràn, hồ đập đáp ứng xử lý nhanh các tình huống bão, mưa lũ.

- Tập trung quản lý tàu hàng, tàu vận tải, sắp xếp neo đậu trú tránh bão trong cảng Quy Nhơn, không cho tàu neo đậu vùng biển ngoài cảng.

- Vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội là rất quan trọng trong phòng chống thiên tai như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

PHẦN II
NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PCTT VÀ TKCN NĂM 2018

I. CÔNG TÁC PCTT VÀ TKCN NĂM 2018
1. Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay: 
Cơn bão số 1 hoạt động trên biển Đông và suy yếu trên vùng biển Phú Yên - Ninh Thuận trong tháng 1. 10 đợt không khí lạnh đã gây ra mưa rào; gió Đông Bắc trong đất liền cấp 2 đến cấp 3, ven biển cấp 4 – 5, ngoài khơi cấp 6 – 7. Biển động đến động mạnh. Lượng mưa từ đầu năm đến nay 154 mm bằng 54% so với TBNN lũy kế. Dung tích các hồ chứa 346/578,0 triệu m3, đạt 60% dung tích thiết kế, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2017.

Trên biển, không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới đã ảnh hưởng tàu thuyền 24 vụ với 191 thuyền viên; trong đó 1 thuyền viên bị chết, 7 thuyền viên mất tích, 9 tàu hỏng máy/61 thuyền viên bị nạn được lai dắt về bờ.

2. Nhận định thời tiết từ nay đến tháng 10/2018:
Bão, ATNĐ năm 2018 tương đương so với TBNN, có khoảng 12 – 14 cơn hoạt động trên Biển Đông, khoảng 4 – 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở  Bắc Biển Đông, dịch dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm. Khu vực Bình Định chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp 1 – 2 cơn bão.

Nắng nóng xuất hiện muộn và không gay gắt. Nhiệt độ trung bình trong các tháng tới phổ biến mức xấp xỉ TBNN.

Lượng mưa tháng 5/2018 phổ biến cao hơn so với TBNN từ 15 – 25%; các tháng 6 – 10/2018 phổ biến dao động ở mức TBNN. Khả năng cuối tháng 5 sẽ xuất hiện 01 đợt mưa diện rộng (Tiểu mãn) lượng mưa phổ biến 50 – 100mm.

Mùa lũ có khả năng xuất hiện sớm, mực nước bình quân mức tương đương và cao hơn TBNN.

Đỉnh lũ trên các sông xuất hiện khoảng nửa đầu tháng 10 và tháng 11 mức BĐ II – BĐ III và trên BĐ III. Đề phòng mưa lũ lớn và các đợt mưa lũ dồn dập.

3. Các hoạt động PCTT từ đầu năm đến nay:
- Báo cáo kết quả công tác PCTT và TKCN năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 phục vụ hội nghị tổng kết toàn quốc về công tác PCTT và TKCN.

- Báo cáo tình hình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017.

- Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và phân công nhiệm vụ các thành viên theo quy định của Luật PCTT.

- Ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 5/3/2018 về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

- Kiểm tra, bảo dưỡng vật tư trang thiết bị PCTT và TKCN; sửa chữa và thay thế phụ tùng phương tiện, trang thiết bị hư hỏng.

- Báo cáo nhu cầu di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai.

- Hội nghị Tổng kết công tác PCTT, TKCN và Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 vào ngày 03/4/2018.

- Tiếp tục hoàn chỉnh quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ PCTT cấp tỉnh; cập nhật Kế hoạch PCTT giai đoạn 2016 – 2020; Phương án ứng phó với mưa lũ theo từng cấp độ rủi ro thiên tai; triển khai quản lý, vận hành hệ thống trạm đo mưa tự động; tiến hành kết nối dữ liệu 45 trạm đo mưa nhân dân, 30 trạm đo mưa và 8 trạm đo mực nước tự động vào phần mềm dự báo và website hochuavietnam.vn; nâng cao năng lực cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; tham gia hội thảo tập huấn công tác PCTT do Trung ương tổ chức; triển khai đào tạo nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ cấp huyện và cộng đồng.

3.  Các hoạt động PCTT trong thời gian tới:
Tình hình hạn hán, mưa bão sẽ xuất hiện cực đoan hơn. Các địa phương, sở,  ngành cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Về chống hạn:
- Quản lý chặt chẽ nguồn nước và đảm bảo tưới trong hệ thống.

- Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống Đê Đông không để xâm nhập mặn.

- Xây dựng phương án cụ thể về cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn cho các vùng thiếu nước.

- Sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, khôi phục các giếng, ao và máy bơm để tăng thêm nguồn nước.

- Ưu tiên sử dụng nguồn thủy lợi phí cho công tác tưới chống hạn.

- Về tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai:
Kiểm tra, duy trì hoạt động của hệ thống đo mưa nhân dân, hệ thống đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh. Khôi phục hệ thống cảnh báo lũ sớm do GIZ tài trợ trước 30/6/2018.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa nước:
Các địa phương có hồ chứa nước cần sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCTT – TKCN, xây dựng phương án PCLB của hồ chứa theo quy trình vận hành và phê duyệt; Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ hồ; Thường xuyên kiểm tra và gia cố, sửa chữa các hư hỏng ngay từ ban đầu.

Triển khai xây dựng hồ Đồng Mít; sửa chữa các hồ chứa nước hư hỏng nặng thuộc huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Tây Sơn.

- Đẩy mạnh công tác tu bổ hệ thống đê, kè trước mùa mưa lũ.
Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực để hoàn thành kế hoạch tu bổ, sửa chữa hồ đập, đê kè trước 31/8. Chuẩn bị phương án PCLB cho hồ đập, hộ đê để đối phó với mưa lũ.

Tiến hành quy hoạch phòng chống lũ và đê điều cho lưu vực sông Kôn – Hà Thanh phục vụ công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó rủi ro thiên tai và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Đảm bảo an toàn dân cư:
Các địa phương cần rà soát, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng thiên tai trong năm 2018. Dự trữ lương thực, thuốc men, nước uống ở các trường học, trụ sở kiên cố. Tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo quyết định của UBND tỉnh.

Sở Xây dựng khẩn trương thống kê, đánh giá phân loại nhà an toàn theo các cấp bão để cập nhật Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

- Đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền:
Tiếp tục củng cố, mở rộng tổ, đội đoàn kết trên biển; lắp đặt thêm máy bộ đàm tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ. Chi cục Thủy sản phối hợp với Đài Radio Quy Nhơn, bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương tập huấn cho ngư dân về bảo đảm thông tin liên lạc, công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; tăng cường quản lý, giữ liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

- Phát triển rừng phòng hộ, nâng cao độ che phủ rừng:
Ngành lâm nghiệp, các địa phương tập trung chỉ đạo phòng chống cháy rừng; tiếp tục thực hiện các dự án quản lý, phát triển rừng bền vững; bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; độ che phủ rừng cuối năm 2017 đạt 52,5 %, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt  54,5%.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ:
Các địa phương cần tiếp tục chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn, cây lúa kém hiệu quả theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi đất sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao.

- Đảm bảo giao thông vận tải, thông tin, truyền thông:
- Ban QLDA Giao thông tỉnh phối hợp các địa phương triển khai sửa chữa, khôi phục các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn bị hư hỏng. Sở Giao thông - Vận tải tiến hành nâng cấp các tuyến giao thông theo quy hoạch giao thông giai đoạn 2016 – 2020 đã phê duyệt. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện đảm bảo giao thông thông suốt.

- Ngành Viễn thông cần nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin thông suốt từ tỉnh, huyện đến 100% các xã; chuyển công điện, thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tới các sở, ngành, địa phương. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng, kịp thời thông tin về diễn biến thiên tai để nhân dân biết, phòng tránh.

- Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn:
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên đất liền. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn ngư dân, tàu thuyền trên biển; cần duy tu, bảo dưỡng tàu sắt hiện có để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. 

Tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó với bão, mưa lũ; Bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp làm công tác PCTT; Bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các loại phương tiện TKCN.
Nâng cao năng lực của cơ quan thường trực về công tác tham mưu, trực ban, xử lý sự cố do thiên tai (công trình, tàu thuyền trên biển, vận hành liên hồ …)

- Thực hiện chính sách xã hội
Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ cần thực hiện tốt các chính sách trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; nắm chắc tình hình thiệt hại do thiên tai để đề xuất UBDN tỉnh cứu trợ kịp thời, ổn định đời sống nhân dân.

Sở Công thương khảo sát, đánh giá nguy cơ và chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão đối với các khu công nghiệp, kho tàng, cơ sở sản xuất các doanh nghiệp; tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để cứu trợ cho nhân dân vùng bị bão, lũ.

Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thuốc trị bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường để sẵn sàng ứng phó với bão, lũ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng:
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Định và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kiến thức phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, từng bước nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi của cộng đồng trong và sau thiên tai.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN ĐẾN:
- Các địa phương, sở, ngành tổ chức tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2017, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo năm 2018 chậm nhất đến ngày 31/5/2018.

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban, ngành, địa phương và phân công nhiệm vụ từng thành viên.

- Các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai phù hợp với thực tế. Thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai của cơ quan, đơn vị mình, gửi đến Ủy ban nhân dân địa phương có liên quan trên địa bàn và cấp trên để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Chủ tịch UBND các cấp tổ chức xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương, gửi UBND cấp trên trực tiếp để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Thời gian xây dựng và phê duyệt phương án hoàn thành trước 15/7/2018.

- Tổ chức tập huấn cán bộ chuyên trách công tác PCTT và TKCN, lực lượng quản lý hồ, đập, đê điều hoàn thành trước 31/7/2018. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ; chủ động sửa chữa các hư hỏng trước 31/8/2018.

- Kiểm tra phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng tại các đô thị, khu dân cư ven sông, suối, ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở mất an toàn. Chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lũ.

- Rà soát các phương tiện cứu hộ, cứu nạn các địa phương, các sở, ngành liên quan để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ khi có tình huống. Báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trước ngày 31/7/2018.

- Tập trung xây dựng và quản lý cảng cá Tam Quan, khu neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão đầm Đề Gi, đầm Thị Nại.

- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng hạ du hồ Định Bình, bản đồ ngập lụt do mưa lũ lưu vực sông Kôn – Hà thanh.

- Cập nhật Kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp tỉnh theo quy định.

- Hoàn thiện cơ chế và thu Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai năm 2018, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu:
1. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố:
- Phân công trực ban PCTT và TKCN 24/24 giờ.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai.

- Thực hiện tái định cư tập trung và tại chỗ cho vùng thường xảy ra thiên tai.

- Xác định vùng thường bị ngập lũ để chủ động di dời dân, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn về công tác PCTT do Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị phòng, tránh và tham gia các hoạt động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai tại địa phương.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, thông tin liên lạc sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai; kịp thời tìm kiếm cứu nạn.

- Khảo sát các vùng trọng điểm bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất; vùng thiếu nước, khu vực dễ xẩy ra cháy nổ, cháy rừng; xác định đường cơ động, bãi đáp trực thăng, khu vực hạ thủy tàu xuồng, tập kết lực lượng để chủ động ứng phó.

- Tập huấn các đội xung kích PCTT và TKCN, phối hợp với các đơn vị huấn luyện, diễn tập trước mùa mưa bão; vận động nhân dân cùng tham gia để nâng cao năng lực PCTT và TKCN, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về công tác phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, cứu sập.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Duy trì chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực quân số, đảm bảo thông tin liên lạc, sẵn sàng phương tiện trang thiết bị hoạt động an toàn khi cứu hộ, cứu nạn.

- Tập huấn, huấn luyện các đơn vị nâng cao kỹ năng, trình độ phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển khi mưa bão, ATNĐ.

- Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin TKCN giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh và các tàu đánh bắt xa bờ. Tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão, ATNĐ theo quy định; Phối hợp với chính quyền địa phương nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên trên biển để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng tránh bão, ATNĐ.

5. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh:
- Chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát, điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình tình thực tế.

- Thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án để nâng cao năng lực cán bộ, chiến sĩ; khả năng hoạt động của phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu sập.

- Tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có cháy nổ, thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

4. Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định:
Bảo dưỡng và vận hành an toàn các trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm. Dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm chính xác, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo phòng tránh, ứng phó thiên tai.

III. KIẾN NGHỊ:
Để triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2018, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, Ngành quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để thực hiện:  

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp lý về PCTT và TKCN trong tỉnh phù hợp với pháp luật.

- Cập nhật kế hoạch PCTT tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 – 2020 phù hợp với tình hình thời tiết hiện nay, với phương châm phòng ngừa thiên tai là chính; Phòng chống thiên tai còn phải dựa vào cộng đồng, các doanh nghiệp với tinh thần trước hết phải có phương án đảm bảo an toàn cho chính mình.

- Rà soát, xây dựng phương  án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, phát huy vai trò thường trực của lực lượng vũ trang. Hỗ trợ trang thiết bị liên lạc chuyên dùng để chỉ huy, điều hành phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Rèn luyện năng lực phòng ngừa, sức chống chịu trước thiên tai của cộng đồng. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; năng lực chỉ huy ứng phó thiên tai theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

- Xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ chia sẻ dữ liệu PCTT; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Tổ chức việc thu và quản lý Quỹ PCTT tỉnh để huy động nguồn lực tham gia hoạt động PCTT, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất nhân dân sau thiên tai.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN Bình Định kính báo cáo./.

Văn bản số 139/PCTT ngày 16/5/2018 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định
 

Nguồn tin: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định:

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay11,698
  • Tháng hiện tại472,578
  • Tổng lượt truy cập16,088,144
global slide list video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây